Chàng trai khiếm thị tự trồng rau phục vụ cuộc sống

Thúy Hằng
Thúy Hằng
24/02/2020 08:54 GMT+7

“Tôi ra chợ mua rau thấy đắt quá, lại không biết có sạch không, vậy là tự tay trồng, chăm sóc, thu hoạch. Các bạn mắt sáng làm gì, chúng tôi đều có thể làm được”, chàng trai khiếm thị 28 tuổi Hà Văn Đông nói.

Trên sân thượng ngôi nhà ở đường Nguyễn Quý Anh, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM xanh mướt các loại rau dền, muống, mồng tới, rau đay, cải ngọt. Đó là thành quả sau nhiều tháng mà sáng nào Đông cũng dậy thật sớm, tự trèo lên chiếc thang tre hơn 2 m dẫn lên sân thượng, chăm bón, tưới tắm.
Đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, nhưng từ trước đến nay Hà Văn Đông luôn tự làm tất cả mọi việc, từ vệ sinh cá nhân, dọn dẹp trang trí nhà cửa, đi siêu thị, nấu nướng, sử dụng điện thoại, laptop và các thiết bị điện tử khác nhanh không kém gì người sáng mắt. Từ trước Tết Nguyên đán, muốn có rau sạch để ăn, lại giúp rèn luyện bản thân, Đông đi mua đất, hạt giống, xin các thùng xốp và tự trồng rau. Cả chục bao đất, mỗi bao nặng hơn 20 kg được Đông vác lên hai tầng nhà. Mỗi ngày tỉ mẩn tự bỏ đất vào thùng, lấy tay bới tạo luống, gieo hạt, tưới nước.
Hà Văn Đông chính là chàng ca sĩ khiếm thị khiến khán giả của chương trình Giọng hát Việt - The Voice bật khóc hồi năm 2012. Quê ở Hải Dương, cha mẹ đều làm nông, năm 2007 Đông vào TP.HCM, sống ở một mái ấm. Vốn yêu ca hát, tình cờ một lần ngày học phổ thông được nghe một học sinh trong trường hát các ca khúc của Trần Lập, sau đó được tặng album nhạc rock của ban nhạc Bức Tường, Đông yêu rock bao giờ không hay. Tham gia các cuộc thi gửi ca khúc online trên mạng, Đông giành nhiều giải thưởng. Năm 2012, anh tham gia Vietnam Idol rồi sau đó The Voice - Giọng hát Việt. Đó cũng là bước ngoặt cuộc đời, giúp chàng trai khiếm thị vốn từng rất rụt rè trưởng thành hơn.
Suốt từ năm 2016 - 2018, Đông tham gia các dự án âm nhạc tại nước ngoài. Hiện tại, tự nuôi bản thân nhờ các công việc như bán đồ dùng hữu ích cho người khiếm thị, hát ở các phòng trà, Đông bộc bạch giấc mơ: “Tôi luôn nghĩ tới ngày mình sẽ có một ca khúc được thịnh hành, bài hát đó sẽ được các bạn trẻ hát, nghe với nhau ở tiệm cà phê, siêu thị hay trước giờ chiếu phim”.
Hai năm trở lại đây, Đông tham gia cùng nhóm Incovi - kênh truyền thông thay đổi nhận thức về người khiếm thị, có những hoạt động tại các trường trung học, CĐ-ĐH ở trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), THPT Nguyễn Du (Q.10), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; Trường ĐH Y Dược Phạm Ngọc Thạch và đón nhận được tình cảm của nhiều người trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.