Chuyện cảm động khi đến nhà nữ sinh được học bổng 7 tỉ đồng của Harvard

14/07/2016 08:47 GMT+7

Khoảnh khắc tôi nhận chén súp nóng hổi 'cứu đói' hay khi cô em gái Liên rón rén để chai nước khoáng bên cạnh, nói: Chị uống đi rồi làm cho đỡ khát... là lúc tôi cảm nhận được yêu thương luôn đầy ắp trong gia đình này.

Vốn với tính cách trầm, không khoa trương và cũng chẳng muốn nổi tiếng, sau khi nhận học bổng 'khủng' từ Harvard, Diệu Liên đã khép mình lại, sống trong thế giới của em.
Chúng tôi hiểu rằng, việc tìm ra Diệu Liên không phải để "đánh bóng" tên tuổi em, mà muốn lan tỏa câu chuyện cô con gái của một gia đình nghèo khó nhưng biết vươn lên, học giỏi, nhận được học bổng 7 tỉ đồng của Harvard, một trong những ngôi trường danh giá nhất hành tinh, đến cộng đồng, nhằm lan tỏa nguồn cảm hứng từ Diệu Liên, để đưa câu chuyện đầy sinh động của Diệu Liên trở thành động lực cho các bạn trẻ đang có khát vọng vươn đến những tầm cao mới.

Vì thế, chúng tôi quyết tìm ra Diệu Liên và kể câu chuyện #CON GÁI CHỊ LAO CÔNG NHẬN HỌC BỔNG 7 TỈ CỦA HARVARD

Mọi người thường nói: “Sài Gòn thấy vậy chứ lạc nhau là coi như mất!”, câu nói này không phải không có lý. Bởi, ở cái thành phố xô bồ có hơn 10 triệu dân này, việc bạn phải tìm một người có số điện thoại nhưng đã tạm khóa, có Facebook cá nhân nhưng không còn dùng, không tiết lộ địa chỉ nhà riêng… thì cũng khó tựa “mò kim đáy bể”.

Tìm nhà nhưng không biết số, tên chủ

Và hành trình tìm đến nhà Trần Thị Diệu Liên (19 tuổi, sống tại TP.HCM), nữ sinh nhận học bổng trị giá 7 tỉ đồng của trường đại học Harvard (Mỹ) cũng nhiều thách thức như thế.

Dữ liệu duy nhất mà chúng tôi có được là địa chỉ trường đại học, nơi mẹ Liên đang làm lao công. Chúng tôi đến đó, nơi duy nhất có thể lần ra Diệu Liên lúc này. Trong lúc đứng trước cổng trường phân vân chưa biết nên làm gì tiếp theo, bỗng một anh giữ xe hỏi chúng tôi cần tìm ai?


[CLIP] Mái ấm của Diệu Liên - Thực hiện: Lê Ái

Lúc này chúng tôi mới té ngửa nhận ra, ngay cả cái tên của mẹ Liên, người đang cần tìm chúng tôi cũng chưa biết. Chúng tôi đành hỏi cầu may rằng đang tìm cô có con gái vừa được học bổng của một trường đại học ở Mỹ.

Sau vài phút trầm ngâm, anh giữ xe lấy điện thoại gọi cho một người nào đó. Chúng tôi không nghe được cuộc nói chuyện của họ, chỉ đoán được rằng: có thể mình đã gặp đúng người.

Theo chỉ dẫn của anh chàng giữ xe tốt bụng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nằm nép mình ở góc ngã tư đường Mai Thị Lựu (phường ĐaKao, quận 1, TP.HCM). Gọi là nhà, nhưng thật ra chẳng khác gì túp lều rách nát, xiêu vẹo, với máy tôn đã mục. Đó là tổ ấm của chị Lộc, người mẹ lao công có con gái được học bổng Harvard.

Nhưng chị Lộc không có nhà và cửa đã khóa...

Căn nhà của gia đình Diệu Liên Ảnh: Lê Ái

Chúng tôi được bà ngoại Liên sống cạnh đó cứu nguy. Bà dùng chìa khóa dự phòng mở cổng cho vào nhà. Vừa đi vài bước đầu tiên trong khoảng sân nhỏ đồ đạc ngổn ngang, chúng tôi chợt phát hiện mình đến nhà cô bé quá sớm, cả ba cha con Liên vừa mới ngủ dậy và dĩ nhiên là chúng tôi không thể báo trước, nên chẳng ai trong gia đình có sự chuẩn bị.

Dù vậy, vừa nhìn thấy chúng tôi, ba Liên, anh Trần Văn Dư đã cười thật tươi, anh đon đả mời khách ngồi, pha trà, rồi hỏi kẻ lạ mặt không mời mà đến đã ăn sáng hay chưa... Chúng tôi có cảm giác anh cố làm thật nhiều việc để xua đi sự lúng túng của cả chủ nhà và khách. Nhờ sự thân thiện của chủ nhà, chỉ vài phút sau, chúng tôi đã hòa nhập được với không khí gia đình.

Cũng như nhiều người khác khi lần đầu bước vào nơi sinh sống của gia đình Liên, chúng tôi choáng ngợp, cả ba mặt tường phòng khách đều treo kín giấy khen. Thấy tôi say sưa ngắm nhìn, Như Quỳnh em gái Liên nói: “Số bằng khen này là của chị hai hết, em chỉ có mấy cái thôi”. Sự khiêm nhường trong câu nói của cô nhóc 12 tuổi lấp lánh niềm tự hào về chị gái - Trần Thị Diệu Liên.
Cảm xúc lạ bên trong ngôi nhà rách

Điều khiến chúng tôi xúc động nhất trong buổi sáng đầu tiên có mặt tại nhà Liên, chính là việc ba em khăng khăng đòi mua đồ ăn sáng cho khách. Anh hỏi: “Con muốn ăn gì để chú đi mua, bún bò hay cơm tấm?”. Chúng tôi lịch sự từ chối, nhưng khi vừa quay sang trò chuyện với Liên, ba em đã lấy xe chạy ra ngõ lúc nào chẳng hay.


[CLIP] Chị lao công nói về con gái - Thực hiện: Lê Ái

Không có bún bò, cũng chẳng có cơm tấm, anh Dư mang về bốn phần súp cua. Anh cười tươi nói: “Con cứ ăn tự nhiên, đây là món súp cua ngon trứ danh khu này”.

Vừa thưởng thức món súp cua ngon lành, tôi vừa nghe lòng mình len lỏi nhiều cảm xúc khó tả. Tôi không chắc trong những phút ngắn ngủi vừa qua, anh Dư đã kịp nhớ tên tôi, có biết tôi đến từ cơ quan báo chí nào chưa và liệu anh có nắm rõ mục đích của chuyến viếng thăm đường đột này…? Dường như người chủ nhà hiếu khách chẳng quan tâm đến điều đó, người đàn ông ấy vẫn đối đãi với chúng tôi hệt như người đã quen từ lâu, nay có dịp đến chơi nhà.

Anh Trần Văn Dư vừa đóng vai trò là cha vừa đảm đương vị trí của người mẹ trong việc nuôi dạy Liên thành người Ảnh Lê Ái

Ăn sáng xong, chúng tôi bắt đầu tác nghiệp. Anh Dư kết hợp với chúng tôi rất ăn ý trong việc tìm nơi ghi hình sáng, rõ; trả lời các câu hỏi phỏng vấn lưu loát, sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi ghi hình lại trong trường hợp cảm thấy đoạn phim chưa ưng ý. Nhiệt tình là vậy nhưng chắc anh cũng tiếc thời gian lắm, người lao động thường lấy công làm lời mà, vậy nên khi tôi vừa đóng máy, anh Dư nói ngay: “Xong nhỉ, chú đi làm nhé!”.

Sự thật thà, nhiệt tình và tấm lòng cởi mở của anh Dư khiến chúng tôi thấy hành trình khó khăn để tìm ra nhà Diệu Liên trước đó chẳng xá gì.

Vì không gặp được chị Lộc (mẹ Liên) nên sáng hôm sau, tôi quay lại căn nhà nhỏ ấy lần thứ hai. Không hiểu sao ngay từ phút đầu nhìn thấy chị, tôi thấy lòng mình bình yên đến lạ. Có lẽ vì chị có một gương mặt đôn hậu và tấm lòng luôn trăn trở vì con… điều dễ tìm thấy ở nhiều người mẹ.

Nói về chuyện Liên sắp đi du học, chị bỗng bật khóc. Những giọt nước mắt tuôn trào và bất ngờ đến độ làm chúng tôi lúng túng, không kịp chuyển máy từ chế độ ghi âm sang quay phim.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị vẫn khóc nức nở không ngừng. Điều đó khiến tôi xúc động và chợt nghĩ: Đến lúc Liên cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học Harvard về khoe với chị, nước mắt của người mẹ này có thể đã cạn khô.

Vẻ ngoài đôn hậu, tấm lòng thương con hết mực của chị Lộc khiến tôi đồng cảm, quý trọng Ảnh: Lê Ái

Chị Lộc cởi mở khi chia sẻ về Diệu Liên - cô con gái giỏi giang khiến chị cảm thấy vô cùng tự hào. Sau cuộc trò chuyện thân tình, người mẹ này có một hành động bất ngờ. Chị nắm tay tôi và nói: “Vài bữa, sắp tới ngày em đi, con ghé nhà cô để cô nấu món gì đó cho mấy đứa cùng ăn rồi tiễn em lên đường nha!”. Nếu không kiềm lòng, tôi đã chảy nước mắt ngay trước mặt chị.

Tôi nhớ có lần đã hỏi Liên: “Em đạt thành tích cao như vậy, ba mẹ có thưởng gì không?”. Liên đáp: “Không có gì chị ạ”. Thì ra, món quà mà ba mẹ Liên giữ kín cho em đến tận ngày tiễn con lên đường du học chính là: một bữa ăn ngon.


[CLIP] Cha của Diệu Liên nói về con gái - Thực hiện: Lê Ái
Sáng hôm sau, khi mở email, tôi nhận một thư mới từ Liên. Nội dung bức thư chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Em gửi chị, hình chị chụp với cả nhà!”.
Cứ thế, từng hành động nhỏ của mỗi người trong gia đình Liên đều khiến chúng tôi phải dừng lại để suy nghĩ.

Đó là cách họ quan tâm, chia sẻ với chúng tôi chén súp cua nóng hổi “cứu đói”, là ly nước khoáng mát rượi em Quỳnh rón rén để bênh cạnh rồi nói: chị uống đi cho đỡ khát. Là sự trân quý từng khoảnh khắc sống khi cả nhà Liên đề nghị chụp một tấm ảnh kỷ niệm với tác giả. Là tình người ấm áp khi chúng tôi ra về, cả nhà ra đứng ngoài ngõ, chờ chúng tôi đi ngang rồi vẫy tay chào tạm biệt, đợi đến khi chiếc xe khuất hẳn ở góc đường, mới trở vào.

Chúng tôi tin rằng, kỷ niệm trong quá trình thực hiện loạt bài  #CON GÁI CHỊ LAO CÔNG NHẬN HỌC BỔNG 7 TỈ CỦA HARVARD… sẽ là điều ngọt ngào khó quên trong suốt chặng đường làm nghề...

KÍNH MỜI BẠN ĐỌC GIAO LƯU VỚI GIA ĐÌNH CHỊ LAO CÔNG CÓ CON NHẬN HỌC BỔNG 7 TỈ CỦA HARVARD QUA TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP TỪ TRƯỜNG QUAY CỦA THANH NIÊN VÀ ĐƯỢC PHÁT SÓNG LÊN THANH NIÊN ONLINE, KÊNH YOUTUBE CỦA THANH NIÊN VÀ FANPAGE FACEBOOK CỦA VIDEO BÁO THANH NIÊN VÀO LÚC 14:00 GIỜ, THỨ SÁU, NGÀY 15.7.
BẠN ĐỌC CÓ THỂ GỞI CÂU HỎI CHO DIỆU LIÊN VÀ VỢ CHỒNG CHỊ LAO CÔNG NGAY BÊN DƯỚI BÀI VIẾT, Ở PHẦN BÌNH LUẬN. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.