'Coi công viên như bãi rác'

24/09/2017 19:20 GMT+7

Công viên 23.9 (Q.1, TP.HCM) với những mảng cỏ xanh xinh đẹp. Thế nhưng sau khi một nhóm người trẻ uống cà phê ở đây bỏ đi thì vương vãi vô số rác.

“Một số đứa trẻ 'ngộ' lắm, coi công viên như bãi rác vậy. Mỗi lần tụi nó uống cà phê xong là xuất hiện nhiều 'đống rác' luôn, nào là giấy lót ngồi, nào là bịch đựng đồ ăn, chai lọ… Dù có những thùng rác sát bên cạnh, cầm bỏ vô đó không khó, nhưng tụi nó không làm. Tụi nó hình như không có ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng”, bà Oanh (46 tuổi, bán cà phê ở công viên 23.9), bức xúc cho biết.
Một nhân viên ở nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11, TP.HCM) thì kể mỗi lần địa điểm này có tổ chức thi đấu là những nhân viên làm vệ sinh phải “làm mệt nghỉ” vì rác rất nhiều. “Trước khi diễn ra trận đấu thì sạch trơn. Nhưng khi kết thúc trận thì như một bãi rác, rác vương vãi khắp mọi nơi. Đúng là nhiều người, trong đó có người trẻ, chưa có ý thức tự dọn dẹp rác thải”, nhân viên này nói thêm.
Anh Tuấn, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Có lần lớp tổ chức một sự kiện. Mua giấy, bong bóng về cắt dán, trang trí. Sau khi làm xong, cả nhóm phụ trách việc trang trí bỏ về, không thu dọn rác thải. Mình bức xúc nên đề nghị cả nhóm phải dọn sạch trước khi về thì bị phán: “Ô, cái thằng này mày rảnh quá. Ở đây là trường chứ có phải là nhà tao đâu mà lo chuyện dơ sạch”.
Còn Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, thì kể rất nhiều lần cảm thấy khó chịu khi phải chứng kiến những hình ảnh người trẻ chạy xe trên đường, sau khi ăn xong ổ bánh mì hay uống xong ly nước là thẳng tay vứt xuống đường. Hay có sinh viên đi xe buýt, ăn xong hộp xôi là bỏ luôn dưới sàn…

tin liên quan

'Tiểu đường' vẫn thường xuất hiện
Hành vi tiểu tiện bậy nơi công cộng đã tăng mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng lên 1 - 3 triệu đồng. Thế nhưng hình ảnh không đẹp ấy vẫn còn xuất hiện khá nhiều.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), thì xả rác nơi công cộng dù với hình thức hay lý do nào thì đó cũng là những hành vi thiếu văn hóa. “Qua lâu rồi thời chúng ta chỉ biết sống cho riêng mình, chỉ nghĩ đến việc giữ cho cái nhà mình sạch, còn ở ngoài đường thì kiểu 'cha chung không ai khóc'. Mỗi người chúng ta sống trong một cộng đồng và có mối tương quan với nhau. Giữ vệ sinh chung cũng vậy, đây là một biểu hiện cơ bản của một người có văn hóa”.
Cũng theo ông Duy: “Để tập cách sống hợp tác, cùng phát triển thì mỗi người phải biết bắt đầu bằng việc giữ vệ sinh chung, nếu không thì tự khắc sẽ làm hình ảnh bản thân mình trở nên xấu xí trước mắt người khác. Và dù ít hay nhiều nó cũng ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bạn. Bên cạnh tuyên truyền ý thức giữ vệ sinh chung của mọi người thì các cơ quan chức năng cần giám sát và xử phạt triệt để, nghiêm khắc những hành vi này để hy vọng giữ vệ sinh chung trở thành một thói quen và nếp sống đẹp của mọi người, mọi nhà”.
Vứt rác bừa bãi nơi công cộng bị phạt tới 5 triệu đồng
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt rất nhiều hành vi làm tổn hại môi trường, trong đó các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng.
Cụ thể, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 1.2.2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.