Đổ xô thi 'game sô': Tự tử vì áp lực

27/06/2016 15:46 GMT+7

'Trước đây, mình cũng từng mường tượng về sự khắc nghiệt của các chương trình truyền hình thực tế, nhưng khi trở thành người trong cuộc, mình mới cảm nhận được hết sự đáng sợ của nó', một thí sinh nói.

Ngày càng có nhiều cơ hội để bạn trẻ khẳng định tài năng và sống hết mình với đam mê. Việc xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế như Tìm kiếm thần tượng, Giọng hát Việt, Việt Nam Next Top Model... được xem là con đường ngắn nhất giúp giới trẻ khám phá và thể hiện mình.

Trong hành trình đó, họ đã phải đánh đổi những gì? Những câu chuyện chưa bao giờ bộc bạch sau những chương trình đã lên sóng. Mời bạn đọc tìm hiểu đường đến danh vọng của nhiều bạn trẻ qua loạt bài: #ĐỔ XÔ THI 'GAME SÔ'

Cuộc chiến khốc liệt

Trong giai đoạn đỉnh cao của truyền hình thực tế (2013-2014) một thống kê trên báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần chỉ ra có đến 624 giờ phát sóng các chương trình truyền hình thực tế trên hai kênh VTV3 và HTV7 vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. 24.000 người đã tham gia vòng thử giọng trong cuộc thi Tìm kiếm thần tượng âm nhạc Việt Nam 2013, trong khi chỉ một người duy nhất bước lên ngôi vị quán quân. 

Trong số những bạn trẻ kiên trì nộp đơn thi thố, xuất hiện trên sóng truyền hình là để “thỏa mãn đam mê”, “tìm kiếm những giá trị thật", thì cũng có không ít thí sinh thẳng thắn nói rằng các cuộc thi tìm kiếm tài năng, âm nhạc là nơi để họ "kiếm tiền trả nợ", "đổi đời trong nháy mắt"… Nhưng đó chỉ là những ảo ảnh... Trên thực tế, những thí sinh khi đứng trên ranh giới của việc được chọn hoặc bị loại, họ bắt đầu đối diện với sự thật.

H.Q.V, thí sinh chương trình X. kể với chúng tôi về những mặc trái của cuộc thi: “Để có cơ hội cầm trong tay tấm vé vớt từ chương trình, ban tổ chức đã yêu cầu tôi quay một video ca nhạc để làm sản phẩm tham gia xét duyệt. Điều đáng nói, họ không đưa cho tôi một đồng nào cả. Tôi phải vay mượn bạn bè, người thân để có kinh phí thực hiện thử thách này. Đắng cay ở chỗ, có nhiều tiền đầu tư thì còn chút hy vọng, không có tiền làm video này thì lo mà rút lui trước…”.

Một thí sinh bật khóc ngay trên sân khấu khi được quyền đi tiếp vào vòng trong trong một cuộc thi Ảnh: Ân Nguyễn

Bỏ học thi 'game sô', tự tử vì áp lực

Sự ảnh hưởng của các "game show" lớn đến nỗi nhiều nhãn hàng thương hiệu Việt chấp nhận chi đến 280 triệu đồng cho vài giây “lộ mặt” trong một chương trình truyền hình thực tế năm 2013 và đến năm 2015, con số này là 350 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo chớp nhoáng, theo thống kê của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Theo một khảo sát ở Anh, cứ 10 thiếu niên thì có một người sẵn sàng bỏ học để xuất hiện trên tivi, trong các chương trình truyền hình thực tế. 16% trong số thí sinh dự thi tin rằng rồi mình sẽ nổi tiếng. Và ở Việt Nam, con số này cũng không hề nhỏ.

Y.T.T, (sinh năm 1996, tại Nam Định) quyết định bỏ ngang việc học ở trường để tham gia thi T.V 2015 với lý do: “Tôi không muốn mãi là cô gái ngồi trước máy tính và hát các ca khúc chế. Tham gia cuộc thi này, tôi muốn cầm mic, đứng trên sân khấu, được mọi người đón nhận…”.

Tuy nhiên, chỉ đi được ít vòng, T.T đã phải dừng chân vì “tỷ lệ bình chọn ít, chưa thuyết phục ban giám khảo”. Không chỉ vậy, cô còn vướng vào nhiều thị phi khác khiến công chúng không còn dành cho “hot girl mạng” cái nhìn thiện cảm như trước.
Trở về cuộc sống hằng ngày với những tổn thương tinh thần, Y.T.T cho biết một năm qua cô không còn đi hát, cũng không muốn quay clip cover vì… ám ảnh những lời nhận xét miệt thị của dân mạng. Hiện tại, cô đã quay lại với việc học và quyết tâm lấy tấm bằng cử nhân trong năm nay.

Trong khi đó, M.T.A (sinh năm 1992, tại TP.HCM) thí sinh chương trình X.F 2016 đã uống thuốc ngủ tự tử sau khi bị dư luận tố “diễn sâu”, giả bệnh, dựng lên chuyện đời thương tâm để thu hút sự chú ý về mình.

Chia sẻ với chúng tôi, T.A nói: “Trước đây, mình cũng đã từng mường tượng về sự khắc nghiệt của các chương trình truyền hình thực tế, nhưng khi trở thành người trong cuộc, mình mới cảm nhận được hết sự đáng sợ của nó. Hiện tại, mình đã lấy lại thăng bằng sau những biến cố và có cuộc sống bình lặng hơn. Mình sẽ không tham gia bất cứ cuộc thi, chương trình truyền hình thực tế nào nữa với tư cách là một thí sinh”.

'Một khi đặt bút ký vào bản thỏa thuận, nghĩa là bạn phải chấp nhận phối hợp diễn xuất và cam chịu mọi phán quyết từ ban giám khảo. Giống như bạn đang trao đi ‘cái tôi’ để lấy về sự nổi tiếng vậy!', một thí sinh chia sẻ về chuyện hậu trường.
Mời bạn đọc đón xem 'CHIÊU TRÒ DÌM CHẾT TÀI NĂNG' trong kỳ tiếp theo của: #ĐỔ XÔ THI 'GAME SÔ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.