Đừng chào một cách máy móc

11/10/2017 21:21 GMT+7

Chào hỏi là việc rất cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên nếu chào hỏi một cách thiếu cảm xúc, thiếu chân thành thì có thể khiến người được chào có cảm giác không thoải mái…

Lời chào thân thiện sẽ tạo ấn tượng

Hiện tại nhiều nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh, quán nước tại TP.HCM quy định nhân viên phải duy trì việc chào hỏi khách hàng. Điều này nhằm tạo cho khách hàng cảm giác thoải mái, được tôn trọng. Tuy nhiên, việc miễn cưỡng chào hỏi một cách máy móc, thiếu cảm xúc khiến nhiều người thấy không thoải mái. 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên (nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Khi vào các quán ăn tôi thường rất dị ứng với những lời chào thiếu cảm xúc. Có lần vừa đẩy cửa đi vào tôi thấy nhân viên cửa hàng như hét vào mặt mình “ABC xin chào” trong khi chào mắt không hướng về phía tôi, tay họ thì còn đang dở việc”.

Chị Duyên nói thêm: “Chính vì không nhìn vào mặt của khách hàng khi chào nên khi tôi ra ngoài lấy đồ quay vào họ lại tiếp tục chào một cách máy móc mà không hề biết tôi đã vào trước đó 15 phút. 

Chị Duyên nêu ý kiến: “Theo tôi những lời chào như vậy hoàn toàn không gây thiện cảm mà còn tạo cho người được chào có cảm giác bị thiếu tôn trọng. Thay vì chào một câu rất dài như vậy họ chỉ cần nói xin chào nhẹ nhàng kèm thêm một chút cảm xúc hay ánh nhìn sẽ khiến người đối diện cảm thấy dễ tiếp nhận và vui vẻ hơn”. 

Chị Nguyễn Thị Lan (nhân viên Công ty may Nhà Bè tại TP.HCM) cho rằng: “Khi bước vào một quán ăn, một quán nước mà nhận được một ánh mắt trìu mến, một lời chào thân thiện thì có thể sẽ tạo ấn tượng khiến mình muốn quay lại nơi đó lần sau”.

tin liên quan

Người trẻ nghĩ gì về phẫu thuật thẩm mỹ?
Nhu cầu làm đẹp là nhu cầu chính đáng của bất kỳ ai. Người trẻ cũng vậy. Thế nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không nên phẫu thuật thẩm mỹ?

Chị Lan kể: “5 năm nay tôi thường chỉ lui tới một quán cà phê. Điều làm tôi ấn tượng ở đây không phải là những lời chào quá trang trọng. Thường khi bước vào quán nhân viên gặp tôi họ cười và cúi chào. Đôi khi chủ quán chào một cách ngắn gọn 'Hi'. Với cách chào hỏi như vậy tôi cảm thấy rất thân thiện, thêm cảm giác vui vẻ".

Còn chị Nguyễn Trần Thùy Nga (làm việc tại Q.3, TP.HCM) cho biết không chỉ là những lời chào chị còn cảm thấy ấn tượng bởi một nơi nào đó và muốn lui tới nhiều lần chỉ qua những hành động nhỏ của người bảo vệ. Chị Nga kể lại: “Khi đi siêu thị tôi rất ấn tượng với thái độ ân cần của bảo vệ ở đây. Họ thường niềm nở, phụ dắt xe và chu đáo quay đầu xe về hướng tôi sẽ đi. Nhìn những hành động đó tôi thấy được tôn trọng và để lại ấn tượng với tôi, khiến tôi nhớ và cảm thấy vui vẻ”.

Nhiều người cũng cho rằng để gây ấn tượng, tạo thiện cảm và thể hiện thái độ lịch sự thì không chỉ bắt nhân viên phải chào hỏi khách hàng như một cái máy mà nên giáo dục ý thức để mỗi nhân viên hiểu chào là một nét văn hóa đẹp. Khi chào một cách thiện cảm chắc chắn họ sẽ nhận lại được những hành động đẹp tương tự. 

Đuối vì phải nhắc lại lời chào nhiều lần

Nguyễn Thị Phương Nga - sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (Q.7, TP.HCM) - cho biết: “Hiện tại em đang làm thêm theo giờ cho một cửa hàng bán thức ăn nhanh tại Q.Bình Thạnh. Công việc của em là mở cửa kiêm phục vụ khi có khách hàng. Theo quy định mỗi khi gặp khách hàng em phải chào theo công thức 'lời chào + tên cửa hàng'. Những giờ đầu làm việc em duy trì thái độ chào khách kèm theo một nụ cười. Tuy nhiên vào những cuối giờ thì đuối hơn, em chào khách như một cái máy. Đôi khi vì quá nhiều việc, nhiều khách hàng vào cùng lúc nên chúng em chỉ chào có lệ, chào cho đúng quy định”.

Bà Bùi Thị Lý (quản lý tại một nhà hàng ở Q.3, TP.HCM) cho hay: “Khi đưa ra quy định nhân viên phải chào hỏi khách hàng. Chúng tôi muốn tạo môi trường thân thiện, tạo ấn tượng tốt với khách hàng. Tuy nhiên, tùy theo ý thức của từng nhân viên họ sẽ có cách thể hiện thái độ chào hỏi khác nhau”.

Bà Lý cũng cho rằng: “Để lời chào phát huy được tác dụng của nó và khiến khách hàng cảm thấy thoải mái khi nghe thì mỗi nhân viên cần tự ý thức đó là một nét văn hóa chứ không chỉ là trách nhiệm”.

Ông Nguyên Hà Tiên, giảng viên môn kỹ năng giao tiếp, Trường ĐH Tài chính Marketing cho rằng: Kiểu chào hỏi mà một số hệ thống cửa hàng, nhà hàng đang sử dụng hiện nay là kiểu chào công nghiệp. Bản thân kiểu chào này được mặc định là loại bỏ phần lớn yếu tố cảm xúc nhưng vẫn được nhận định là có hiệu quả nên các thương hiệu lớn trên thế giới vẫn áp dụng. Trước khi bước vào quá trình tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhân viên sẽ được đào tạo rất bài bản. Bất cứ khi nào thấy khách thì phải chào. Họ được dạy từ việc cúi người, tay để ở đâu, nói cái gì, cười như thế nào ... Một nguyên tắc bất di bất dịch là dù trong trạng thái nào nhân viên cũng phải chào theo chuẩn đã được dạy. Kể cả có gặp phải tình địch đi chăng nữa…
Tuy nhiên, khi áp dụng vào hệ thống cửa hàng tại Việt Nam thì kiểu chào này bị thay đổi, biến tướng một chút. Nó không tuân theo những nguyên tắc tối thiểu nên mới có việc nhân viên chào mà không nhìn, chào mà không cười… Nguyên nhân dẫn đến thái độ thiếu chuyên nghiệp như vậy đến từ cả hai phía. Phía đào tạo thì không tới và bản thân người thực hiện cũng không có nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc. Khi vui họ chào khác, buồn họ chào kiểu khác; khi gặp khách có vẻ sang trọng chào khác, khách nghèo lại có kiểu chào khác. Chính vì vậy mới tạo sự khó chịu cho người nghe…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.