Giúp sinh viên nhập vai

04/05/2012 03:49 GMT+7

Rất nhiều kinh nghiệm giảng dạy hiệu quả đã được các giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ.

Tạo tình huống

Thạc sĩ Đào Ngọc Bích - giảng viên khoa Địa lý nói: “Với một số nội dung học tập, nếu chỉ dùng lời nói để truyền đạt bài giảng tới sinh viên thì không ăn thua. Thay vào đó, việc cho sinh viên thực hành đóng vai trong một tình huống giả định sẽ hiệu quả hơn nhiều. Khi đó, vai diễn và phần thảo luận sau vai diễn sẽ giúp sinh viên suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề. Tuy nhiên, cũng tùy môn học và bài học cụ thể mới có thể áp dụng thành công”. Theo thạc sĩ Bích, phương pháp này đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian và công sức rất nhiều cho việc xây dựng kịch bản, chọn lựa nhân vật phù hợp với nội dung muốn truyền tải. Như vậy, giảng viên phải làm tốt vai trò nhà biên kịch, còn sinh viên phải diễn xuất tốt vai diễn. Thạc sĩ Bích cho rằng: “Áp dụng phương pháp này triệt để sẽ tạo điều kiện để sinh viên phát triển óc sáng tạo cá nhân, rèn luyện kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong thực tiễn”.

 Giúp sinh viên nhập vai
Một buổi dạy học tích cực ngoài trời tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: H.A

Dạy học kiểu ghép hình (theo cấu trúc Jigsaw của Elliot Aronson) - một biến thể của dạy học theo nhóm cũng là phương pháp dạy học tích cực. Thạc sĩ Trịnh Lê Hồng Phương - giảng viên khoa Hóa học chia sẻ: “Thay vì giao bài tập chung cho từng nhóm như cách làm việc nhóm bình thường, ở đây mỗi thành viên của nhóm sẽ được giao phần việc cụ thể. Trong một khoảng thời gian xác định, mỗi thành viên sẽ phải làm việc cật lực để thảo luận và trở thành chuyên gia giảng lại cho nhóm phần bài của mình. Kết quả đánh giá cũng tiến hành tới từng cá nhân, từ đó mới tính điểm cho nhóm. Như vậy, cách làm này đòi hỏi mọi sinh viên phải nỗ lực làm việc hết sức, tránh được một nhược điểm thường thấy ở cách làm việc nhóm thông thường là sự ỷ lại, ăn theo thành tích cá nhân”. Tuy nhiên, thạc sĩ Phương lưu ý: “Bản thân tôi đã áp dụng nhiều lần phương pháp này, nó thực sự hiệu quả đối với giờ ôn tập, luyện tập và tổng kết kiến thức. Tuy nhiên, hiệu quả có thể thấy khi có cơ sở dạy học thoải mái, số lượng sinh viên một lớp không quá đông, thời gian cho bài học rộng rãi và trình độ sinh viên tương đồng. Nếu không hội đủ các yếu tố trên, đôi khi kết quả có thể ngược lại”.

Cọ xát với thực tế

Tiếp xúc với người bản ngữ qua kênh trực tuyến là phương pháp được Bùi Nguyên Khánh - giảng viên Khoa Tiếng Anh - áp dụng thành công trong quá trình giảng dạy của mình. Ông Khánh cho hay: “Một thực tế đáng buồn là phần đông học sinh, sinh viên học tiếng Anh nhưng không thể giao tiếp bằng tiếng Anh dù chỉ là những câu nói đơn giản. Do vậy, giáo viên ngoại ngữ cũng cần lưu ý thay đổi cách dạy để tăng cường khả năng giao tiếp của người học. Một trong số đó là tạo cho sinh viên môi trường tiếp xúc với người bản ngữ, và trong điều kiện giới hạn của trường học thì qua trực tuyến rất tiện ích”. Ông Khánh cho biết thêm, hiện có nhiều kênh trực tiếp giúp người học tiếng Anh giao lưu được với người bản xứ như: mạng xã hội (Facebook, Twitter, Podcast, Hello-hello.com…) hoặc đối thoại trực tuyến (Skype, Yahoo Messenger…). “Cách học này khá hay nhưng cũng đòi hỏi phải có điều kiện như máy tính, kết nối mạng cho từng người học… Thêm nữa, bản thân giáo viên phải chọn lựa và kiểm soát kỹ càng thông tin trên mạng để bài học hiệu quả”, ông Khánh nói thêm.

Trước thực tế đa số lớp học ở bậc ĐH đều đông sinh viên, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - giảng viên khoa Tâm lý giáo dục - lại quan tâm đến kinh nghiệm giảng dạy hiệu quả trong trường hợp này. Thạc sĩ Huyền cho rằng, ngoài việc tìm hiểu trước về cơ sở vật chất và lượng người học để chuẩn bị bài giảng, giáo viên nên kết hợp các phương pháp dạy học đa dạng và linh hoạt. Khi đó, một số phương pháp có thể áp dụng hiệu quả là: thuyết trình, đàm thoại, thảo luận… Nhớ tên sinh viên, khuyến khích đặt câu hỏi, trao đổi qua email… cũng là điều giáo viên nên nhớ để khuyến khích sinh viên tập trung vào bài giảng của mình.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc - giảng viên khoa Sinh học - lại cho rằng bên cạnh kiến thức chuyên môn cần phải tăng cường kỹ năng cho sinh viên thông qua lồng ghép giảng dạy các hoạt động phong trào. Thạc sĩ Quốc đưa ra một số hoạt động đã được triển khai cho sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM như: thi giảng, thi vẽ, thi thiết kế hồ sơ bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin... Qua đó, sinh viên không chỉ phát triển chuyên môn, mà rèn luyện rất nhiều kỹ năng.

Hà Ánh

>> 700 việc làm thời vụ chờ sinh viên
>> Đánh thức đam mê
>> 47.600 sinh viên bầu chọn cho Vịnh Hạ Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.