Hãy bước qua và đếm từng viên sỏi

18/04/2010 15:53 GMT+7

Câu nói đó tôi đọc được từ hồi còn rất nhỏ, biết nó chỉ có tính hình tượng để nói rằng, bạn hãy đi bằng chính đôi chân của mình, dù khó nhọc nhưng chắc chắn. Thực tế đã có nhiều bạn trẻ muốn thành công nhanh chóng, nhưng không ai đến được đích cuộc đời nếu đi bằng đôi chân... người khác.

Phàm đã là học sinh (HS), ai cũng muốn học giỏi, nhưng cũng không ít HS muốn giỏi mà không phải học. Đó là những HS ngồi ước có một ngày nào đó khoa học sẽ phát minh ra một thứ gì đó tương tự như phần mềm máy tính, bỏ tiền mua về, "cài đặt" vào đầu là xong. Vì thế, chuyện học hành đối với họ là một cực hình, để đối phó lại, họ làm rất nhiều trò, đôi lúc có sự trợ giúp của người lớn, để có một bảng điểm "sạch sẽ", cho dù điểm đó không phải của mình.

Bù lại, họ lại rất "sành điệu" trong ăn chơi thời thượng. Tuổi trẻ thì phải bắt nhịp với xu thế thời đại, nhưng bắt nhịp không có nghĩa là bắt chước, đua đòi. Để tỏ ra "sành điệu", họ (được gia đình hỗ trợ) sắm điện thoại di động loại xịn, có nhiều chức năng, tất nhiên là đắt tiền, để có thể đứng quay phim và hô bạn tránh ra cho mình quay cảnh bạn bè đánh nhau, hành hạ nhau rồi đưa lên mạng như một thú vui và để cho mình... nổi tiếng. Tại sao họ không chọn sự "nổi tiếng" bằng cách hành hiệp, can ngăn và giúp đỡ bạn bè, một cách làm có vẻ cổ điển nhưng phù hợp với đạo đức truyền thống mà lại chọn cách sành điệu vô cảm?

Cứ cho rằng, gia đình họ có thể "mua" được cho họ cả thứ khó nhất, tạm gọi đó là kiến thức (thực tế chỉ là cái biểu hiện của kiến thức), nhưng "mua" xong họ đâu có thể "cài đặt" được vào đầu mình. Và như thế, suốt đời họ chỉ là con người gần như là vô dụng, thậm chí còn có thể là một mối lo cho xã hội. Bề ngoài có thể thế này thế nọ nhưng tôi tin rằng, suốt đời lương tâm họ không thể nào thanh thản.

Nhiều bạn trẻ rất muốn nổi tiếng trên con đường nghệ thuật. Nhưng thay vì phải rèn luyện theo con đường "thiên tài cũng phải cần cù mà nên", họ đốt cháy giai đoạn bằng cách tạo ra liên tục các scandal, kể cả những scandal có thể (và đã) phương hại đến nhân phẩm của họ. Mà tôi đồ rằng, một con người coi thường nhân phẩm của mình thì đó là một con người không... người. Không có một ai thành công thực sự bằng cách bán rẻ nhân phẩm của mình!

Giữ nhân phẩm tức là giữ gìn đạo đức của con người. Đạo đức bắt đầu từ sự trung thực, trước hết với chính mình, bắt đầu từ việc "đếm từng viên sỏi", nhặt nhạnh, tích lũy từ trong cuộc sống những điều nhỏ nhất. Ví như, khi nói "cháu mời ông, mời bà xơi cơm", "cháu chào chú cháu về"... thì phải vòng tay lại, nhìn thẳng vào người đối diện, nói cho chân tình, từ tốn chứ không thể vừa cúi mặt và cơm vừa nói "ông cơm, bà cơm", vừa chạy vừa nói: "chú cháu về"... Đạo đức là khi làm một việc gì đó xấu phải tự vấn lương tâm, phải biết xấu hổ với chính mình... Chỉ thế, không có gì to tát cả.

Nhân đây, xin kể câu chuyện có thật mà tôi được chứng kiến: Hồi tôi đi học, nhà trường thường tổ chức trồng cây. Mỗi lần như thế, HS phải tự kiếm và mang đi một vài cây để trồng. Chúng tôi bứng từ cây cam, cây bưởi... nho nhỏ mọc trong vườn, đôi khi nó mới chỉ mọc được vài lá. Chỉ có một bạn lúc nào cũng mang vài cây rất to, có bầu đất bao cẩn thận, trồng xuống đất rất... hoành tráng. Tất nhiên, bạn ấy lúc nào cũng được biểu dương. Rồi bạn ấy học kiểu gì đó nhưng cũng có bằng đại học và sau cùng giữ một chức vụ rất quan trọng, phải nói là thành đạt nhất so với bạn đồng khóa. Thế rồi, một ngày bạn ấy bị cách chức vì một dự án lớn do bạn ấy phụ trách bị (bạn ấy) rút đến rỗng ruột, lúc đó người ta mới khui ra chuyện bằng tốt nghiệp phổ thông của bạn ấy là bằng... đi xin để đủ thủ tục vào học tại chức, nhưng người học cùng khóa tại chức đó lại không bao giờ gặp bạn ấy đi học. Nhiều người ngạc nhiên nhưng bạn đồng niên thì không ai ngạc nhiên, bởi vì ai cũng biết ngày đi học, để được biểu dương, bạn đấy đã bẻ cành cây cho vào một cục đất làm bầu, trồng xuống rất đẹp nhưng dĩ nhiên là nó không bao giờ sống. Gieo gì, bạn ấy đã gặt được thứ đó.

Nhiều bạn sinh viên (SV) bây giờ cũng thế, không chịu làm công việc bình thường nhất là đi học chuyên cần, lại thuê người đi học hộ, thuê người làm luận án tốt nghiệp... Ra trường, nhờ sự hậu thuẫn của gia đình hoặc bằng cách nào đó có được việc làm. Nhưng thử hỏi, khi vào làm việc rồi, ai làm thay cho bạn được suốt đời?

Tôi có tham gia đào tạo báo chí và đã nhiều lần nói chuyện này với SV, có thể bạn thuê ai đó viết thay cho mình vài bài để được tuyển dụng, có thể bạn nhờ quen biết hoặc hậu thuẫn gia đình mà có việc làm, nhưng vào rồi, liệu ai có thể viết thay cho bạn khi tòa soạn cử trực tiếp bạn tác nghiệp? Có SV ra trường trong hai năm đã đi đến 4 cơ quan báo chí, chỗ nào cũng biên chế hoặc hợp đồng dài hạn hẳn hoi, nhưng có thể bạn ấy sẽ phải tiếp tục đi nữa. Đã thế mở miệng thì chê hết báo này đến báo khác, người này đến người khác. Học viết báo thì phải viết cho được cái đã, chỉ đơn giản thế sao không làm? 

Vì thế nên phải tự mình bước đi, khó nhọc như đếm từng viên sỏi để biết được giá trị của bước chân và hơn hết là tích lũy kiến thức nghề nghiệp cho mình. Cũng như bạn học lái xe là để lái chính tính mạng của mình, cái bằng không điều khiển được xe thay cho bạn. Rất đơn giản thế thôi!

Tôi khoái làm việc lớn!

Ai cũng biết việc nhỏ thường giản đơn và dễ làm hơn việc lớn. Nhưng nếu ai cũng giành nhau làm việc nhỏ thì lấy ai làm việc lớn? Ai cũng đòi làm lính thì lấy đâu ra tướng lĩnh chỉ huy? Ai cũng muốn làm thợ thì lấy đâu ra chủ doanh nghiệp. Ai cũng thích làm nhân viên thì kiếm đâu ra các lãnh đạo?

Nếu không dám ước mơ, không dám mạo hiểm làm sao dám ra biển lớn? Nếu làm chủ doanh nghiệp, tôi sẽ chọn các bạn trẻ có ước mơ, dám làm chuyện lớn chứ không chỉ an phận với những chuyện tầm thường. Tôi thích nhân viên táo bạo, có cá tính, dám phiêu lưu và dám đánh cược với cuộc đời. Bởi tôi muốn cùng họ vươn vai cất cánh đại bàng.

Ai cũng có quyền ước mơ, có ước mơ nhỏ, ước mơ lớn. Ai cũng có quyền làm việc và cũng có việc nhỏ việc lớn. Tại sao cứ khuyến khích làm việc nhỏ? Hễ ai có suy nghĩ khác, có ước mơ táo bạo một chút cỡ muốn làm chủ tập đoàn... là lập tức bị phê phán. Nào là không lượng sức mình, là tự cao. Tại sao không có khát vọng đưa đất nước trở thành cường quốc? Tại sao không dám ước mơ có ngày VN vô địch World Cup? Tại sao không có hoài bão đoạt giải Nobel? Anh thích làm việc nhỏ - xin cứ tha hồ làm. Còn tôi khoái làm việc lớn - hãy để tôi tự nhiên. Xin đừng vội lên lớp hay kết án đúng sai này nọ. Đó cũng là sự tôn trọng cần thiết của một xã hội công bằng...

Xã hội nào cũng có người làm việc nhỏ và người làm việc lớn. Mỗi người có vị trí riêng. Việc nhỏ thì giản đơn, dễ làm còn việc lớn thì khó khăn phức tạp. Việc nhỏ thì lương ít, việc lớn thì lương nhiều và phù hợp với khả năng của từng người. Rất nhiều người chỉ có thể làm việc nhỏ. Họ không đủ sức để làm việc lớn. Cái đó là do hoàn cảnh sống và điều kiện phân công của xã hội. Không nên tranh luận làm việc nhỏ tốt hơn hay làm việc lớn tốt hơn. Tùy sở thích của mỗi người mà chọn lựa. Ai thích làm việc nhỏ cứ làm - còn tôi - được học hành và đào tạo bài bản - chỉ có thể làm việc lớn với khát vọng đổi đời và làm giàu cho đất nước.

Tonny Nguyễn

Việc nhỏ hay lớn đều tốt

Việc nhỏ hay việc lớn không nằm ở chính bản thân hành động, mà phụ thuộc vào lợi ích nó đem lại, nếu lợi ích của việc đó chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân thì dù giá trị của nó lớn đến mấy thì cũng chỉ là việc nhỏ, ngược lại giá trị đem lại của hành động có thể nhỏ nhưng có ý nghĩa đối với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia... thì vẫn sẽ là việc lớn. Nghĩ việc lớn, làm từ việc nhỏ, bất cứ việc gì chỉ cần đem lại lợi ích thiết thực không chỉ cho bản thân mà còn cho cả cộng đồng và xã hội. Đây mới là suy nghĩ và hành động mà chúng ta nên theo.

Nguyễn Minh Thái

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.