Hãy chấm dứt lao động trẻ em

13/06/2011 20:24 GMT+7

Thực trạng trẻ em VN phải bỏ học sớm hoặc có nguy cơ bỏ học tham gia lao động trong những môi trường nặng nhọc, độc hại, bị bóc lột và cưỡng bức… khiến nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế bày tỏ quan ngại.

Không đi làm thì không có cái ăn

 
Trẻ em theo cha mẹ đi làm ở một mỏ đá tại Đồng Văn, Hà Giang - Ảnh: Lưu Quang Phổ

12 tuổi, Lầu Thị Lứ ở xã Lao Chải, H.Sa Pa (Lào Cai) đã mòn gót chân bán đồ lưu niệm  cho khách du lịch nước ngoài. Hằng ngày, sau mỗi buổi học, Lứ rong ruổi bán hàng trên con đường từ Lao Chải đến Sa Pa. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cô bé đâu có biết vì cuộc sống mưu sinh, có biết bao cạm bẫy đang rình rập ở phía trước. Lứ bộc bạch: “Nhà em nghèo. Bố mẹ bảo, không đi bán hàng thì không có tiền ăn. Với em, kiếm tiền vẫn là quan trọng nhất”. Cũng vì lý do kiếm tiền quan trọng hơn việc học, nhiều bậc phụ huynh ở Lao Chải sẵn sàng cho con nghỉ học đi bán đồ lưu niệm. Thống kê cho thấy năm học 2010-2011, trên địa bàn xã Lao Chải, tỷ lệ học sinh học THCS chỉ chiếm khoảng 65% trẻ trong độ tuổi.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em phải bỏ học lao động sớm, trong đó nguyên nhân xuất phát từ các bậc cha mẹ. Thu nhập thấp và đói nghèo đã buộc cha mẹ bắt con đi làm thêm, họ không ý thức được sự ép buộc là sai phạm. Và pháp luật cũng chưa có quy định xử phạt bố mẹ bắt con lao động sớm.

Hơn 25.000 trẻ làm việc nặng nhọc

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12.6.2011, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chọn chủ đề: “Cảnh báo! Trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm - Hãy chấm dứt lao động trẻ em”.

 Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực, bóc lột trẻ em và sẽ không còn tái diễn những trường hợp tương tự như em Bình ở Hà Nội, em Hào Anh ở Cà Mau
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân

Kết quả nghiên cứu gần đây nhất của Bộ LĐ-TB-XH với sự hỗ trợ của ILO tại 58 tỉnh thành cho thấy: hơn 90% trẻ em lao động ở vùng khảo sát làm việc trong ngành tự do. Trung bình trẻ em làm việc 4-5 giờ/ngày và thậm chí đến 6 giờ hoặc cao hơn.

Cá biệt, trong các cơ sở sản xuất như may mặc, chế biến thực phẩm, các em phải làm từ 8-9 giờ, thậm chí là 10-12 giờ/ngày. Khoảng 50% các em được khảo sát phải làm việc trong môi trường nguy hiểm có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần và chịu nhiều sức ép tâm lý.

Cả nước hiện vẫn còn hơn 25.000 trẻ em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo, cần cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa để sớm chấm dứt tình trạng trẻ em phải lao động trong điều kiện tồi tệ.

“Việc ngăn ngừa, giải quyết vấn đề lao động trẻ em không chỉ bằng một biện pháp, một chính sách đơn lẻ mà đòi hỏi phải có một chiến lược tổng thể và sự chung tay giúp sức của cộng đồng quốc tế. Pháp luật sẽ trừng trị nghiêm khắc những kẻ ngược đãi, bạo lực, bóc lột trẻ em và sẽ không còn tái diễn những trường hợp tương tự như em Bình ở Hà Nội, em Hào Anh ở Cà Mau”, bà Ngân nhấn mạnh.

 Bộ LĐ-TB-XH đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2016 sẽ xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Ngày 10.6, Bộ LĐ-TB-XH đã phát động 5.000 chữ ký cam kết hướng tới 5.000 lao động trẻ em được ra khỏi điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào năm 2013. Ngoài ra, bộ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật như sửa đổi một số điều trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Bộ luật Lao động cho phù hợp với thực tế.

Chỉ có 41 % trẻ lao động được nhận tiền công

Kết quả khảo sát tình trạng trẻ em lao động sớm của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội trên một số quận, huyện giai đoạn 2009-2010 cho thấy:  Gần 85% trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại đang đi học, trong  đó có 18,3% đang học tiểu học, 54,57% đang học THCS và 27% đang học THPT. Gần 60% trẻ em trong diện điều tra phải làm việc sau giờ đi học, gần 40% làm việc cả trước và sau giờ đi học. Có những em bị vắt kiệt sức lao động. Trong số đó, chỉ có 41% được nhận tiền lương, tiền công. Cá biệt, có những em 5 tuổi đã phải đi kiếm tiền mang về cho cha mẹ.

 Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.