Học gì trong phòng học "tình yêu"?

27/03/2012 08:59 GMT+7

Trường Đại học dân lập Thăng Long - Hà Nội vừa xây dựng mô hình “phòng học tình yêu” khiến dư luận vừa ngạc nhiên, đồng tình, vừa lo lắng…

Trường Đại học dân lập Thăng Long - Hà Nội vừa xây dựng mô hình “phòng học tình yêu” khiến dư luận vừa ngạc nhiên, đồng tình, vừa lo lắng…

Đa số những người đến tham quan mô hình này đều tỏ ra thích thú với các phòng tự học bởi nó được thiết kế khá độc đáo, màu sắc rực rỡ, bắt mắt, trẻ trung nên rất lôi cuốn sinh viên. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến băn khoăn liệu phòng tự học có tính chất tự do, thoải mái như thế này có bị biến thành một nơi không lành mạnh, trở thành nơi tập trung không nghiêm túc và không cho hiệu quả học tập cao.

Nhằm giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt, Trường Đại học dân lập Thăng Long đã xây dựng 5 phòng tự học cho sinh viên với đầy đủ thiết bị giảng dạy, học tập.

Ngoài việc phục vụ cho sinh viên tự học, học nhóm, các phòng trên còn được dùng làm phòng sinh hoạt khoa học, thực hành môn học giữa giảng viên với sinh viên. Những phòng học này đều được trang bị máy tính, máy chiếu, wifi. Riêng với phòng Passion - My love có thêm micro, loa, âm li.

Chúng tôi ghé thăm lớp học Tiếng Việt thực hành của cô giáo Trần Ngân Giang và được cho biết: Sinh viên được giao bài tập làm clip về nghĩa của từ trong tiếng Việt, cụ thể là nghĩa đen, nghĩa bóng của từ. Các em sẽ tự đóng clip và được trình chiếu tại phòng thực hành này. Qua đó, sinh viên sẽ có hứng thú với môn học hơn và cách tiếp thu bài giảng cũng tốt hơn.

5 phòng học được gắn với mỗi tên khác nhau: tầng 3: Think different (tạm dịch: Nghĩ khác), tầng 4: Self dependen (Tự lập), tầng 5: Self confident (Tự tin), tầng 6: Passion (Đam mê), tầng 7: Success (Thành công), với hàm ý muốn thành công sinh viên cần phải có một sự chuẩn bị đủ các yếu tố trên.

“Từ ngày có phòng tự học, bọn em thường hay đến đây để ôn lại bài trước khi kiểm tra hoặc họp nhóm trước khi có bài thuyết trình. Còn nếu muốn học một cách thực sự yên tĩnh thì bọn em đến thư viện của trường”, bạn Mai Hoa, sinh viên K24 khoa Tài chính - Ngân hàng chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, việc tạo một không gian thân thiện, cởi mở để giảng viên với sinh viên có thể trao đổi kiến thức một cách thoải mái và hiệu quả nhất là cách làm đáng khích lệ. Đặc biệt, sau những tiết học trên giảng đường, sinh viên có thể tìm một nơi tự học mà không bị gò bó bởi khuôn khổ nào cả.

Tất nhiên, trong thực tế, cũng có một số sinh viên đến phòng học tình yêu để… ngủ hay nói chuyện chứ không học. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu đây có thể là chỗ cho sinh viên nghỉ ngơi buổi trưa chờ đến giờ học tiếp theo thì cũng rất cần thiết, tránh trường hợp các em phải đi lang thang.

Bạn Thái Hà, sinh viên khoa Tiếng Anh cho biết: “Lịch học của em từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mà nhà em ở Nhổn nên việc đi lại rất khó khăn. Từ ngày khai trương phòng tự học, bọn em không còn mệt mỏi vì phải chờ đợi, hoặc đi lang thang, hoặc ngồi vạ vật chờ đến giờ học buổi chiều nữa”.

Theo ông Trương Ngọc Kim, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Thăng Long, đây có thể coi là giảng đường thứ hai, với không gian phù hợp với lứa tuổi, các em sẽ thoải mái đến nơi học của mình, và quan hệ thầy trò vì thế cũng sẽ thân thiện hơn.

“Còn tên gọi phòng học Tình yêu chính là tình yêu của thầy cô giáo trong trường dành cho các bạn sinh viên Thăng Long", ông Trương Ngọc Kim nói.

Đa phần sinh viên đến đây đều có ý thức học tập và giữ gìn vệ sinh, ngoài ra, mỗi phòng đều có cán bộ quản lý sinh viên nên những việc làm, lời nói phản cảm hoặc gây ảnh hưởng đến không gian chung đều được nhắc nhở.

“Có lẽ do đặt tên là phòng “tình yêu” nên nhiều người có cảm giác không nghiêm túc đối với mô hình phòng học này của chúng em, chứ thực thế không phải vậy”, một sinh viên khi được hỏi đã nói.

Nguyễn Trang

>> Chọn trường tiểu học cho con
>> Có thể không còn chương trình tài năng
>> Trẻ em TP.HCM muốn gì trong năm mới?
>> Lãnh đạo TP.HCM giao lưu với thiếu nhi
>> Vừa làm vừa học ở nước ngoài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.