Không gì là không thể!

11/09/2014 09:00 GMT+7

Trở về VN lần này, GS Ngô Bảo Châu không chỉ làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán mà còn chuẩn bị đại diện cho VN trình bày báo cáo trong hội thảo chuyên đề Menao - một hoạt động nằm trong khuôn khổ hội nghị Đại hội toán học thế giới (ICM).

Trở về VN lần này, GS Ngô Bảo Châu (ảnh) không chỉ làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán mà còn chuẩn bị đại diện cho VN trình bày báo cáo trong hội thảo chuyên đề Menao - một hoạt động nằm trong khuôn khổ hội nghị Đại hội toán học thế giới (ICM).

Không gì là không thể !
Giáo sư Ngô Bảo Châu

Ông đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn xung quanh chủ đề này.

* Được trình bày báo cáo tại ICM, sẽ mang lại cho các nhà toán học VN sự khích lệ không nhỏ? 

- 8 năm trước, tôi được mời báo cáo tại tiểu ban, 4 năm trước thì tại phiên toàn thể. Trước đó nữa, tôi không nhớ chính xác là năm nào, cũng có một nhà toán học Việt kiều được mời báo cáo ở tiểu ban - ông Frederic Phạm. Đúng là việc có nhà toán học người Việt - cho dù anh ta đến với tư cách là giáo sư của một trường ĐH không ở VN - được báo cáo tại ICM mang lại sự phấn khích cho các nhà toán học trong nước. Cùng với điều đó, sự vận hành của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, việc triển khai chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đã tạo nên sức sống mới với những lạc quan trong giới toán học.

* Các nhà toán học VN có mơ ước một ngày nào đó những người giảng dạy tại các trường ĐH, các viện nghiên cứu trong nước sẽ được mời báo cáo tại ICM?

Không gì là không thể !
Ngày càng có nhiều bổng dành học sinh, sinh viên toán thông qua chương trình trọng điểm toán học - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

- Có chứ, bởi việc được mời báo cáo tại ICM được coi như là một sự công nhận quốc tế. Tất nhiên hiện mình chưa thấy cơ sở nào cho thấy mơ ước đó sẽ thành hiện thực, nhưng không có chuyện gì là không thể. Chẳng hạn, năm 2000 mà nói về việc người VN đạt giải thưởng Fields thì người ta cho đó là chuyện khoa học viễn tưởng, nhưng cuối cùng nó cũng đã xảy ra. Thực tế cho thấy nhiều người VN có khả năng làm được điều này, trong số đó có nhiều người muốn về VN làm việc nhưng chưa thể vì họ chưa cân đối được hài hòa những lợi ích trong cuộc sống và công việc của mình nếu trở về.

 

Từ năm 2000 đến nay là giai đoạn phục hồi, cả về số lượng và chất lượng công trình khoa học. Nhưng có những cái mình chưa phục hồi được là cái sự trong sạch - liêm chính trong khoa học và giảng dạy

GS Ngô Bảo Châu

* Trong khuôn khổ ICM 2014 tại Hàn Quốc, giáo sư nói về những gì trong báo cáo của mình?

- Tôi trình bày về sơ lược lịch sử phát triển toán học VN. Báo cáo của tôi được bắt đầu bằng bức ảnh nhà toán học lừng danh A.Grothendieck được chụp năm 1967 khi đang ở VN (Grothendieck là người từng nói “Tôi đã chứng minh một trong những định lý quan trọng nhất của mình, đó là: Tồn tại một nền toán học VN” - PV), trong bức ảnh còn có hai nhà toán học VN là Hoàng Tụy và Ngô Thúc Lanh (bác họ của tôi). Bức ảnh này được chụp vào thời điểm ông ấy lên rừng để dạy học cho các nhà toán học VN.

Từ bức ảnh ông Grothendieck, tôi nói về nền toán học non trẻ của VN. Sau đó tôi nói về nền toán học VN những năm 1980. Theo tôi đó là thời kỳ hoàng kim của toán học, mặc dù về mặt học thuật nó chẳng đạt được chút gì cao siêu, nhưng cái quý giá mà nó có là sự trong lành về môi trường nghiên cứu, các giá trị về mặt khoa học được tôn trọng. Nhưng những năm 1990 là thời kỳ thảm họa, kinh tế suy sụp, các nhà khoa học thì chuyển sang làm kinh doanh. Từ năm 2000 đến nay là giai đoạn phục hồi, cả về số lượng và chất lượng công trình khoa học. Nhưng có những cái mình chưa phục hồi được là cái sự trong sạch - liêm chính trong khoa học và giảng dạy.

* Khi giáo sư đạt giải thưởng Fields, rất nhiều người nhìn lại bức tranh tổng thể nền toán học VN và thấy nó u ám dù đã có một ngôi sao Ngô Bảo Châu. Vào thời điểm này, ông đã thấy nó sáng sủa hơn nhiều chưa?

- Đúng là có một sự chuyển biến theo chiều hướng tốt, điều này cần phải ghi nhận sự hỗ trợ, ưu tiên của nhà nước thông qua chương trình trọng điểm toán học. Chương trình đã khiến chúng ta làm được việc mà xưa nay chưa làm được, đó là tổ chức các nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, thành viên tham gia các nhóm này bao gồm các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Cách làm khoa học hữu hiệu nhất là thúc đẩy khoa học để các nhà khoa học hợp tác với nhau chứ cơ quan quản lý không thể đi làm thay các nhà khoa học. Có một việc nữa trước đây chúng ta đã từng làm, nhưng chưa thành hệ thống, nhờ có chương trình mà chúng ta làm được một cách có hệ thống, vì thế kết quả cũng tốt hơn, đó là huấn luyện giáo viên chuyên toán, trao học bổng cho học sinh - sinh viên toán.

Lê Đăng Ngọc
(thực hiện)

>> GS Ngô Bảo Châu lo lắng về chất lượng của khối chuyên toán
>> GS Ngô Bảo Châu tặng sách nói cho học sinh khiếm thị
>> Nhiều câu hỏi lý thú dành cho GS Ngô Bảo Châu
>> GS Ngô Bảo Châu giao lưu tại ĐH Quy Nhơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.