Môi trường cho tôi nhiều tri thức

23/02/2011 10:07 GMT+7

TS Phạm Bá Khoa từng có hơn 20 năm gắn bó với công tác Đoàn. Dù không còn là cán bộ Đoàn theo nguyên nghĩa, trên cương vị Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, ông vẫn đóng góp thầm lặng, miệt mài lưu giữ, ghi chép sử liệu về công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Hồi tưởng thời trai trẻ, TS Khoa chia sẻ: “Không có vinh dự trải qua “Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù” nhưng tôi cũng có những năm tháng không thể nào quên trên mặt trận lao động, sản xuất khôi phục đất nước sau chiến tranh”.

Thời thanh niên của Phạm Bá Khoa gắn liền với những tháng năm miền Nam đang chìm trong khói lửa. Lúc ấy, cả miền Bắc hừng hực khí thế xẻ dọc Trường Sơn cứu nước. Câu nói bất hủ của anh hùng Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù” trở thành lý tưởng sống mà người trẻ nào lúc ấy cũng muốn vươn tới. Tròn 17 tuổi, Khoa tình nguyện viết đơn nhập ngũ nhưng bị khước từ, theo đúng chính sách ưu tiên của Nhà nước. Khi đó, Khoa có anh trai đang chiến đấu ở Quảng Trị.

Môi trường Đoàn cho người ta nhiều thứ: bản lĩnh, ý chí, kỹ năng sống, tri thức và sự hiểu biết
Về trường học, quá nửa số nam sinh đã xếp bút nghiên lên đường ra trận. Trong lớp chỉ còn lại “mấy ông” diện còi cọc. Nhà nằm bên quốc lộ 1A, ngày ngày chứng kiến cảnh bộ đội vai đeo súng, ba lô cài lá ngụy trang nườm nượp hành quân vào Nam, có hôm họ xin ngủ lại trong nhà khiến tâm trạng Khoa càng sục sôi, tiếc rẻ. “Lần nào có giấy báo tử gửi về các gia đình, cả làng kéo đến động viên. Nước mắt rơi chẳng biết bao nhiêu mà kể nhưng cánh thanh niên vẫn háo hức vào bộ đội, không đi được thì tự thấy hổ thẹn với bản thân, xã hội lắm. Biết ra trận là gian khổ, hy sinh nhưng ai cũng muốn đi”, ông Khoa kể lại.


TS Khoa - Ảnh: P.H

Ở lại hậu phương học tập, Khoa trở thành công nhân Công ty công trình ngầm thuộc Tổng công ty Sông Đà (nay là Tập đoàn Sông Đà), tham gia lao động trên công trường thanh niên cộng sản đầu tiên của đất nước: xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Thời điểm ấy, cả nước tập trung dồn sức cho thủy điện Hòa Bình. Hòa chung khí thế khôi phục kinh tế, xây dựng đất nước sau chiến tranh nên mong muốn cống hiến sức lực, trí tuệ cho công trình này cũng hừng hực trong trái tim mỗi thanh niên. Nhóm công nhân phụ trách mở đường thi công hệ thống công trình ngầm như Khoa là lực lượng có mặt đầu tiên ở thủy điện Hòa Bình. Cùng với đội ngũ chuyên gia Liên Xô, đội khoan phá đá của Khoa nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng, làm chủ công nghệ và trực tiếp vận hành những cỗ máy hiện đại.

TS Khoa nhớ lại, thi đua lao động, mỗi tổ máy đều có kế hoạch về định mức năng suất, chi tiết đến từng giờ lao động, từng mét khối đất đá được đưa lên mặt đất. Công nhân làm việc quên cả giờ giấc. Sớm tinh mơ đã chui vào lòng đất, tối mịt mới trở về nên có khi không nhìn thấy mặt trời. Ở thủy điện Hòa Bình lúc ấy, công nhân gần như ai cũng có mong muốn được cống hiến đóng góp, làm vượt năng suất. Được đồng nghiệp ghi nhận, lãnh đạo công ty biểu dương là hãnh diện rồi, chẳng thấy ai so đo, tính toán tiền thưởng. Bữa ăn toàn hạt bo bo, nhưng từ lãnh đạo đến công nhân yêu thương nhau hết mực, chia nhau từng ngụm nước trên công trường. Càng làm quản lý thì càng phải gương mẫu với cấp dưới. Bản thân Khoa giữ chức tổ trưởng tổ máy khoan nên phải tình nguyện đón 3 cái tết trên công trường để nhường phép cho anh em cấp dưới.

Ngồi ở vị trí tổ trưởng không lâu, Phạm Bá Khoa được lãnh đạo chuyển sang làm cán bộ Đoàn chuyên trách. Công tác Đoàn hồi ấy chẳng có gì khó khăn phức tạp, chỉ cần có ý tưởng cho hoạt động, phong trào là đoàn viên nồng nhiệt tham gia. Đảm nhận công tác Đoàn, Khoa “trượt” mất danh hiệu Anh hùng Lao động, nhưng bù lại anh được đề nghị đặc cách nâng hai bậc thợ, không cần trải qua thi sát hạch.

Bây giờ, qua nửa đời người chiêm nghiệm lại, ông Khoa mới thấm thía: “Môi trường Đoàn cho người ta nhiều thứ: bản lĩnh, ý chí, kỹ năng sống, tri thức và sự hiểu biết”. Ở môi trường này, ông Khoa có cơ hội học tập từ công nhân trở thành giảng viên rồi chuyển sang làm công tác quản lý.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.