Ngang nhiên khạc nhổ, 'phì phèo' thuốc lá nơi công cộng

26/09/2017 14:05 GMT+7

Nhiều người cảm thấy vô cùng bức xúc khi trở thành nạn nhân của thực trạng hút thuốc lá và khạc nhổ nơi công cộng.

“Có hôm mình đi uống cà phê, dù đó là khu vực phòng máy lạnh, cấm hút thuốc lá, thế nhưng vẫn có người ngang nhiên hút thuốc, nhả khói. Thật không thể hiểu nỗi”, Mi Li, nhân viên công ty du lịch ở Q.1, TP.HCM, nhớ lại.
Không khó để thấy những hình ảnh hút thuốc nơi công cộng. Cầu Ánh Sao (Q.7, TP.HCM) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) là nơi tập trung người trẻ đến dạo chơi vào hằng đêm. Thế nhưng không ít bạn trẻ thiếu ý thức, tay cầm thuốc lá phì phèo, khiến nhiều người phải xua tay phủi khói, kèm theo ánh mắt khó chịu không đồng tình.
Việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng đã được quy định rõ ràng. Theo khoản 1 điều 23 Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, thì sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá…

“Có người lạ lắm, hút thuốc nơi công cộng là sai. Nhưng khi có người góp ý thì họ nhếch mép kiểu thách thức, rồi hút hơi nặng hơn, nhả khói nhiều hơn”, Hồng Thanh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, kể.
Sáng 21.9, người viết chứng kiến trước sân Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Q.5, TP.HCM) có nhóm người nhà bệnh nhân tập trung trò chuyện, hút thuốc. Mặc dù cách đó không xa có biển cấm hút thuốc.
Ngoài hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, việc một bộ phận người trẻ “đụng đâu khạc đó”, “muốn nhổ ở đâu thì nhổ” cũng khiến nhiều người “ngứa mắt”.
“Mình đã từng là nạn nhân của hành vi khạc nhổ lung tung. Sáng mặc quần áo tươm tất chỉnh tề để đi học. Tới chỗ ngã tư đèn đỏ phải dừng. Ai ngờ bị hai thanh niên đi xe bên cạnh, không để ý tứ gì cả, khạc nhổ một cách hồn nhiên, làm dính áo và quần của mình”, Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, nói.
Theo Khắc Huy, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, việc khạc nhổ lung tung vừa phản cảm, mất vệ sinh và thể hiện bản thân người đó thiếu ý thức, vô văn hóa. “Nhưng thật buồn là hiện nay vẫn có những người vô văn hóa như thế”, Huy chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Lư Kim Khánh (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), cho rằng “hai hành vi ấy là thói quen xấu thể hiện sự thiếu ý thức, thiếu văn minh. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến tập thể, đến môi trường, mà còn gây nguy hại cho sức khỏe chúng ta.
Nhiều người còn thiếu lịch sự khi không quan sát và không để tâm đến hoàn cảnh xung quanh mà trực tiếp khạc nhổ ngay khi có nhu cầu. Hành động này trực tiếp tác động đến vệ sinh môi trường, phát tán mầm bệnh cho những người xung quanh và gây khó chịu cho những người xung quanh.
Hút thuốc lá nơi công cộng Tấn Hiệp
Trong một số trường hợp vì bệnh tật hoặc sức khỏe bắt buộc phải có những hành vi khạc nhổ, chúng ta có thể lựa chọn những biện pháp văn minh hơn (như sử dụng khăn giấy, hoặc vào các nhà vệ sinh công cộng hay một vị trí phù hợp...). Hãy nghĩ đến cảm nhận của những người xung quanh, những mầm bệnh bị phát tán hoặc những mâu thuẫn phát sinh nếu vô tình bị chúng ta 'khạc' trúng hoặc dẫm phải”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.