Người chuyển giới tự... bơi

25/04/2013 03:05 GMT+7

“Dù công nhận hoặc chưa công nhận việc chuyển giới, ngành y tế cũng nên chú ý khám bệnh, tư vấn tốt hơn cho người chuyển giới, để họ hạn chế sử dụng thuốc một cách nguy hiểm”.

Đó là một trong những tâm tư của nhiều người chuyển giới có mặt trong buổi chia sẻ ý kiến cũng như ra mắt bộ tài liệu “Bản dạng giới - Xu hướng tính dục và Quyền của người chuyển giới” của Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam), diễn ra vào ngày 23.4 tại TP.HCM.

 Người chuyển giới tự... bơi
Nhiều người chuyển giới, người đồng tính tham gia buổi tọa đàm ngày 23.4 - Ảnh: Như Lịch

Cát Thy - một người đã chuyển giới từ nam sang nữ cho biết: “Từ hormon, silicon cho đến những thuốc để chuyển giới, tự chúng em mua về và tự tiêm, tự uống. Không có bác sĩ nào chứng nhận, tư vấn riêng cho người chuyển giới. Lắm lúc quằn quại đau và nguy hiểm nữa, mũi tiêm mà lệch vào tim hoặc phổi là chết ngay tại chỗ. Tụi em rất sợ những thuốc có tác hại về sau, nhưng vẫn khao khát được chuyển giới, được là chính mình. Hên thì sống, xui thì chết, nếu chết mà nằm trong thân phận một người phụ nữ thì cũng chấp nhận”.

Yuki (tên thật là Thanh Tùng), bộc bạch: “Trước khi chuyển giới, tâm lý đầu tiên của em nghe giải phẫu là rất sợ, lo lắng, không biết chuyển giới có thành công không, có đẹp không. Rồi đến khi giải phẫu xong, lại băn khoăn lo lắng: Mình sống như vậy có được pháp luật công nhận hay là đang sống chui”. Yuki cũng cho biết những khó khăn thường gặp với người chuyển giới: “Về mặt tình cảm, người đó thương em nhưng họ phải che đậy, hạnh phúc của tụi em vì thế cũng bị thu hẹp. Về công việc, tụi em gặp nhiều trở ngại khi nộp giấy tờ xin việc, ký hợp đồng vì người ta luôn bất ngờ giữa họ tên thật và vẻ bề ngoài của tụi em...”.

Một người chuyển giới có tên hiệu là Gia Kỳ giãi bày: “Tụi em mơ ước làm sao có cuộc sống mưu sinh thật tốt sau khi chuyển giới, được công khai như người bình thường. Trước nay, em chưa thấy người chuyển giới nào mặc đồ công sở đi làm văn phòng”.

Từ tháng 6 đến tháng 7.2012, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã thực hiện một nghiên cứu trên 34 người chuyển giới, trong đó có 24 người nhóm chuyển giới từ nam sang nữ trong độ tuổi từ 14 - 52 và 10 người nhóm chuyển giới từ nữ sang nam (FTM) trong độ tuổi từ 19 - 30. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Những thách thức người chuyển giới thường gặp phải, đó là sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ trong gia đình, trường học, nơi công cộng, thậm chí từ chính cộng đồng LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới). Họ hay bị sỉ nhục, bị xã hội đối xử theo hướng tội phạm hóa. Mặt khác, người chuyển giới có nguy cơ lây nhiễm và bị lây nhiễm những bệnh liên quan đến tình dục. Họ cũng dễ gặp rủi ro về sức khỏe, sức khỏe tâm thần do sử dụng “liều mạng” hormon và các loại thuốc.

Nghiên cứu trên cũng đề cập đến vấn đề pháp lý của người chuyển giới. Họ không được đổi tên và xác định lại giới tính theo quy định pháp luật hiện hành. Sự mâu thuẫn giữa giới tính họ mong muốn (bản dạng giới) với giới tính sinh học thể hiện trong giấy chứng minh nhân dân, trong hồ sơ pháp lý khiến họ khó tìm được những cơ hội việc làm. Mặt khác, trong chuyện tình cảm, người chuyển giới nhìn nhận tình yêu của họ với người dị tính dễ bị tổn thương. Từ đó, dẫn đến sự bi quan, trầm cảm với những suy nghĩ chua chát: “Làm gì có tình yêu, dùng tiền mua tình cảm thôi”; “Rồi người ta cũng phải lập gia đình”, hoặc “Chăm sóc người ta đến mấy, đến khi chết, cũng chỉ có một mình”…

Như Lịch

>> Bán mạng” để được chuyển giới
>> Quyên tiền để... giải phẫu chuyển giới
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới: Giới y học nói gì ?
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 3: Cơ quan chức năng cũng khổ
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 4: Ngoài vòng pháp luật
>> Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới - Kỳ 5: Bộ Y tế hứa tháng 6 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.