Nhân vật nhí của năm đầu tiên: 'Tôi luôn muốn mang đến nụ cười cho ai đó'

05/12/2020 17:37 GMT+7

Nhờ vào óc sáng tạo và niềm đam mê khoa học, cho ra đời những sáng kiến giúp giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, nhà phát minh Gitanjali Rao đã trở thành 'Nhân vật nhí của năm' do Tạp chí TIME bình chọn.

Tạp chí TIME đã công bố danh hiệu mới trong năm 2020, theo đó “Nhân vật nhí của năm” sẽ vinh danh những đóng góp tích cực của thế hệ trẻ cho thế giới ngày nay. Và người đầu tiên nhận được vinh dự này chính là thiếu nữ đến từ bang Colorado của Mỹ: Gitanjali Rao.
“Tôi cảm thấy vô cùng nhỏ bé và thật sự vinh dự khi được trao cơ hội quý báu”, nhà khoa học Rao chia sẻ với Đài CBSN hôm 4.12 (giờ địa phương).
Cô Rao đã được chọn từ hơn 5.000 đề cử trên khắp thế giới, với độ tuổi từ 8 đến 16, cho danh hiệu đầu tiên trong năm nay của Tạp chí TIME.
Một trong những sáng kiến gần đây của Rao là một ứng dụng và phần mềm con của Google Chrome gọi là “Kindly”.

Ảnh trang bìa của Tạp chí TIME

CMH

Trả lời phỏng vấn của nữ minh tinh Angelina Jolie cho Tạp chí TIME, Rao cho hay “Kindly” được thiết kế để phát hiện những trường hợp bắt nạt qua mạng, nhờ vào chương trình trí thông minh nhân tạo có thể lần ra những ngôn từ gây tổn thương hoặc có hại trước khi kẻ bắt nạt gửi đi thông điệp ác ý.
“Tôi luôn muốn mang đến nụ cười cho ai đó, thế là tôi bắt đầu làm điều đó thông qua khoa học và công nghệ… Tôi vận dụng chuyên môn của mình trong lĩnh vực này với hy vọng có thể giải quyết những vấn đề thực sự đang tồn tại trên thế giới, nhằm thay đổi xã hội”, theo tân chủ nhân của danh hiệu “Nhân vật nhí của năm”.
Rao đã xuất hiện trên các bài báo Mỹ vào năm 2017 khi giành được giải thưởng khoa học trên toàn quốc. Ở tuổi 12, cô bé đã nhận được 25.000 USD (gần 580 triệu đồng) nhờ vào phát minh thiết bị xác định nhanh chóng nồng độ kim loại chì độc hại trong nước sinh hoạt với chi phí rẻ hơn.
Cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì ở thành phố Flint, bang Michigan, khiến các trường học bị ảnh hưởng đã thôi thúc cô bé phải làm một điều gì đó.
Bên cạnh đó, Rao nhận ra một điều: “Tôi là một thiếu nữ da màu (cô gốc Ấn Độ)”, và không dễ để vượt qua những khó khăn về màu da vào thời ban đầu chập chững theo đuổi nghiên cứu khoa học.
“Thậm chí tôi còn tự hỏi rằng: “Phải chăng một con bé da màu vẫn có thể trở thành khoa học gia?”, cô Rao kể lại, đồng thời kết luận “và giờ đây tôi đã trở thành Nhân vật nhí của năm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.