Những người thầy vùng biên

23/11/2011 18:25 GMT+7

Chiếc xe khách 16 chỗ vào Mường Ải chất đủ thứ gạo, cá khô, bia và cả một con lợn nái hơn 50 kg. 40 cây số, nhưng phải vật vã gần 3 giờ đồng hồ, từ trung tâm H.Kỳ Sơn (Nghệ An) xe mới bò đến Mường Ải.

Chiếc xe khách 16 chỗ vào Mường Ải chất đủ thứ gạo, cá khô, bia và cả một con lợn nái hơn 50 kg. 40 cây số, nhưng phải vật vã gần 3 giờ đồng hồ, từ trung tâm H.Kỳ Sơn (Nghệ An) xe mới bò đến Mường Ải. 

Bỏ phố lên rừng

Dưới chân dốc, cách trung tâm xã không xa là những ngôi nhà sàn của người Khơ Mú. Đơn sơ và nghèo nàn. Dọc bên con đường chênh vênh đá là hơn chục ngôi nhà được thưng bằng gỗ, mái lợp tôn. Những căn nhà không lẫn được vào kiến trúc nhà ở của người bản xứ. Đó là xóm giáo viên dưới xuôi lên, trong đó nhiều người quê ở dưới thành phố. 

 
Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng bên nồi cơm của học sinh nội trú Trường THCS Mường Ải - Ảnh: K.Hoan

35 tuổi, Hiệu phó Nguyễn Đình Hùng cũng được gọi là thành đạt so với hàng trăm con người khác bỏ phố, bỏ quê lên vùng xa xôi giáp biên giới Lào để dạy chữ cho trẻ. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế năm 2000, Hùng từng đi dạy, rồi làm báo. Nhưng anh nói đến giờ vẫn không nghĩ mình lại phiêu dạt đến tận chốn thâm sơn cùng cốc này để dạy chữ. Có thể đó như là phúc phận, cũng như việc anh lấy vợ. Vợ Hùng cùng tuổi anh, cũng là người dưới xuôi lên dạy mầm non ở đây. Cả hai lên núi dạy chữ, gặp nhau rồi thành vợ thành chồng, cũng như nhiều lứa đôi khác ở cái “bản giáo viên” này. 

Vợ chồng Hùng có 2 con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3. Cả hai đứa nhỏ đều đang được gửi cho bố mẹ Hùng ở quê tận dưới huyện Nghi Lộc nuôi nấng. Trừ dịp hè và tết, còn lại 9 tháng dạy học trong một năm, vợ chồng anh chỉ gặp con vài tháng một lần. Mỗi lần về thăm con, chỉ riêng tiền xe đò đi lại, hai vợ chồng đã mất hết gần triệu đồng. Từ đây về nhà, qua hai chặng xe, ngót một ngày đường. Trước đây, khi chưa có chuyến xe đò vào bản, phương tiện để ra thị trấn là xe máy. Chiếc xe Win là phương tiện vượt rừng đến trường của vợ anh hằng ngày được quấn xích vào lốp xe để chống trượt khi có mưa.

Ở vùng này đều thế cả. Phụ nữ miền xuôi lên đây dạy chữ cứ sắp đến ngày “khai hoa” là về quê sinh nở. Hết thời gian nghỉ thì đưa con lên. Đứa trẻ đến tuổi đi mẫu giáo, lại gửi về quê cho ông bà nuôi. Hùng nói rằng ở cái nơi thâm u chướng khí này, không thích hợp cho những đứa trẻ miền xuôi. Sinh ra nếu để nuôi ở đây, chúng cứ ốm oặt, nhưng cho về xuôi lại khỏe ra. 

Dạy chữ và dạy... nhiều thứ

Ngoài dạy chữ, ở vùng này, người thầy còn phải dạy trò nhiều thứ khác. Anh Đặng Thăng Long, giáo viên Trường tiểu học Mường Ải có thâm niên hai chục năm gắn với mảnh đất này, cho hay làm thầy ở xứ này mang nhiều nghĩa lắm. Dạy chữ cho trẻ, dạy cách làm ăn, dạy kiến thức y học, văn hóa cho dân bản. Hồi vừa ra trường, anh từng hăng hái tình nguyện khi quả quyết “tôi muốn đến với vùng khó khăn nhất” của huyện. Đặt chân đến vùng heo hút này, anh mới biết thế nào là “khó khăn nhất”.

Từ trung tâm huyện, đi bộ ròng rã một ngày đường mới đến được trường. Hồi đó, chưa có nhà ở dành riêng cho giáo viên, giáo viên phải đến ở nhờ nhà dân bản. Việc thích nghi được với văn hóa, phong tục của người bản địa đã là một việc vô cùng khó khăn. Học sinh hồi đó cứ sĩ số 15 mà vắng 12 là chuyện thường. Và việc đưa những học sinh bỏ học trở lại lớp là chuyện không dễ.

Anh Bùi Hữu Cường kể cách đây ba năm, anh và đồng nghiệp đã giành giật được mạng sống của một học sinh lớp 8 khỏi tay thầy cúng. Em này bị hen suyễn, nhưng gia đình cứ cho là bị ma bắt nên mỗi khi em lên cơn hen là gia đình lại mời thầy cúng về làm lễ đuổi ma. Anh Cường đã lặn lội tìm đến nhà, khuyên người nhà cho em đi trạm xá để chữa bệnh nhưng có lúc họ nghe, lúc không. Lần đó, vì để quá nặng nên em này bị mê man bất tỉnh. Thầy cúng tưởng em đã chết nên nói người nhà chuẩn bị làm đám ma. Nghe tin, anh Cường chạy đến thì thấy em này còn thở và cho người đưa ra trạm y tế xã rồi đưa ra bệnh viện huyện cấp cứu. Sau mấy ngày điều trị, sức khỏe em đã được phục hồi.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.