Nỗi lo tội phạm vị thành niên

28/10/2008 16:49 GMT+7

Các cơ quan chức năng đang tìm giải pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn cũng như giải quyết thực trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật.

Bỏ học là mầm mống của tội phạm

Trung tá Nguyễn Văn Tráng - Phó trưởng phòng 7 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết tình hình phạm tội do người chưa thành niên (NCTN) gây ra trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2007 toàn quốc có 10.361 vụ, gồm 15.589 em.

Theo ông Tráng, điều đáng lo ngại là số học sinh bỏ học có chiều hướng gia tăng đang là nguy cơ, điều kiện để tội phạm lợi dụng xâm hại hoặc dụ dỗ lôi kéo các em vào con đường phạm tội. Ông Tráng cho rằng: tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm lần đầu chiếm tỷ lệ cao đã chứng tỏ công tác phòng ngừa, quản lý giáo dục thanh thiếu niên hiện nay còn yếu kém, bất cập, sự phối hợp các ban, ngành đoàn thể còn rời rạc, mang tính hình thức nên nhiều em bỏ nhà lang thang bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm tội và gia đình chỉ biết khi bị cơ quan điều tra bắt giữ, xử lý.

6 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 5.746 vụ, với 9.000 em (tăng 2% số vụ). Số vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm khoảng 20% tổng số vụ vi phạm hình sự, là một con số rất lớn. Tội danh trộm cắp tài sản chiếm 38%; cố ý gây thương tích chiếm 11% và đặc biệt là giết người chiếm 1,4%. Trong đó, lứa tuổi phạm tội cao nhất từ 16 đến dưới 18 tuổi, chiếm khoảng 60%; từ 14 đến dưới 16 tuổi là 32% và dưới 14 tuổi là 8%.

Đồng tình với nhận định này, ông Hà Đình Bốn - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn cho rằng, công tác giáo dục, phòng ngừa và cải tạo cho người chưa thành niên phạm tội hiện nay còn nhiều hạn chế và yếu kém. Công tác chống tội phạm nặng về mặt chống và trừng trị, chưa chú ý đến công tác phòng ngừa. Trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức chưa rõ ràng, khó quy trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra.

Ở một khía cạnh khác, bà Đặng Thị Thanh - Phó chánh thanh tra Tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao thừa nhận: "Một trong những nguyên nhân trên là do hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến việc phòng ngừa, xử lý các vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên còn nhiều quy định chưa phù hợp, chưa cụ thể, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể".

Xử lý thì dễ, nâng đỡ mới khó

Ông Tráng đề xuất phải đặt nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên là một nội dung quan trọng của Chương trình phòng chống tội phạm ở địa phương. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Trúc (Bộ Tư Pháp) thì cho rằng: "Thay vì đưa các em phạm tội vào trại giáo dưỡng, hay trại giam - một môi trường hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của người chưa thành niên trong tương lai - thì hãy phát huy vai trò của các thành tố trong cộng đồng như: dòng họ, hàng xóm láng giềng, tổ dân phố, Đoàn thanh niên để kèm cặp, giáo dục các em thật chặt chẽ. Hãy lôi cuốn các em vào các hoạt động bổ ích ngay tại cộng đồng, kết hợp giữa việc giải quyết những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tội phạm với việc giúp các em hàn gắn những quan hệ với người bị hại, với chính gia đình và cộng đồng của mình".

Tuy nhiên, có một thực tế là công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên truyền nếp sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội chưa thực sự hấp dẫn và phù hợp với từng lứa tuổi. Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Bí thư Đoàn phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đề xuất để hạn chế việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng sống, về giới tính, giáo dục để các em hiểu được nguyên nhân và hậu quả của việc vướng vào các tệ nạn xã hội và gợi cho các em những lối thoát, sức đề kháng trước những tệ nạn; giúp các em có cơ hội học tập và làm việc để tránh bị bạn bè xấu lôi kéo...

Bà Đặng Thị Thanh cũng kiến nghị: "Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chính sách pháp luật có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nghiên cứu để thành lập tòa án về người chưa thành niên để có các cán bộ trang bị đủ năng lực, trình độ, hiểu biết tâm sinh lý trong việc tiếp xúc với trẻ vi phạm pháp luật. Về xử lý cơ bản, không phải áp dụng các hình phạt nghiêm khắc, mà quan trọng là phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và xử lý theo hướng giảm nhẹ hình phạt để giúp các em nhận ra lỗi lầm; phải có biện pháp khắc phục những nguyên nhân, điều kiện phạm tội của trẻ".

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.