Phá tan sự chán nản trong công việc

11/06/2017 10:35 GMT+7

Có một bộ phận bạn trẻ ta thán cảm thấy chán nản công việc hiện tại, không muốn làm nữa, thậm chí muốn buông bỏ.

Không muốn đi làm
Lê Anh Thy, đang phụ trách mảng PR cho một thương hiệu điện thoại, làm việc ở Q.7, TP.HCM, kể trong năm vừa qua đã chuyển việc đến... 6 lần. Thy nói: “Thỉnh thoảng tôi lại rơi vào cảnh chán việc. Ban đầu hào hứng làm việc, thậm chí không ngại tăng ca đến 9, 10 giờ đêm; nhưng sau đó không còn nhiệt tình nữa. Thế là bỏ việc, xin làm công ty khác. Tuy nhiên, ở đâu tôi cũng chỉ làm được một vài tháng chứ không thể gắn bó được lâu vì chán việc”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Nguyễn Trường Nguyễn (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết hội chứng chán việc thường xảy ra với dân công sở. “Tại công ty, tôi thường xuyên thấy nhân viên rơi vào tình cảnh này. Họ cảm thấy chẳng còn hào hứng với công việc, làm bất kỳ việc gì dù nhẹ nhàng cũng cảm thấy mệt mỏi, không muốn làm. Có người vì chán việc nên viết đơn xin nghỉ”, ông Hiếu cho biết.
Nguyễn Huyền Trinh, chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân của một ngân hàng (trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM), thú thật: “Thỉnh thoảng tôi lại chẳng còn hứng thú với công việc đang làm. Suốt ngày cứ quanh đi quẩn lại với việc lập báo cáo, hướng dẫn khách hàng về các quy trình đăng ký vay... nên chán”.
Cũng theo Trinh, vì chán công việc nên có những ngày đi làm, cô chẳng muốn quan tâm, trò chuyện với đồng nghiệp, chưa kể có lúc còn cáu gắt vô cớ với khách hàng. Và cũng có lúc cô cố tình bỏ ngoài tai những phân công chỉ đạo của sếp, nhất quyết không làm như kế hoạch được giao khiến công việc bê trễ, ảnh hưởng công việc chung.
Còn Trương Đình Huy (31 tuổi, ngụ TP.HCM), từng tham gia sản xuất nhiều chương trình truyền hình thực tế, cũng kể lại nhiều khi ấp ủ những ý tưởng sản xuất chương trình mới, thức trắng đêm để viết kịch bản, suy nghĩ cách dàn dựng... Thế nhưng có thời điểm Huy không muốn làm gì cả, tắt điện thoại để tránh mọi cuộc gọi của đồng nghiệp, sếp vì sợ nội dung trò chuyện liên quan đến công việc. Và không ít lần Huy muốn nghỉ làm, kiếm công việc mới.
Trinh lý giải sở dĩ chán việc vì muốn tìm một công việc khác có môi trường làm việc năng động hơn. Với Huy thì: “Có nhiều ý tưởng mình nghĩ đến, hứa hẹn sẽ tạo nên một chương trình hấp dẫn, nhưng bị cấp trên bác bỏ. Thuyết phục nhiều lần nhưng không thể làm thay đổi ý của những người có chức vụ lớn hơn, nên khiến bản thân nản chí, không còn động lực làm việc, muốn tìm một công ty khác để có thể thỏa sức sáng tạo, làm những điều mình thích”.
Đang là nhân viên phát triển sản phẩm tại một hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Q.1, TP.HCM, thế nhưng Lê Thị Phụng (24 tuổi) đã nghĩ đến việc qua năm mới sẽ nghỉ làm để kinh doanh. Phụng tâm sự: “Lương mỗi tháng khoảng 7 triệu, nhưng công việc khá áp lực, phải làm đủ chỉ tiêu được giao hằng tuần nên có khi tôi phải tăng ca đến tối, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thường bị stress. Chưa kể công việc hiện tại chẳng có hướng phát triển nên sẽ tìm ý tưởng kinh doanh”.
Ngoài ra, những người đang làm công sở cũng chỉ ra khá nhiều lý do khiến họ rơi vào tình trạng mệt mỏi, chán nản và không muốn làm việc, như: cảm thấy tính chất công việc không phù hợp với sở thích và năng lực bản thân, hay dù cố gắng nhưng không thể nào thích nghi với môi trường làm việc, đặc biệt là tương tác với "sếp" và đồng nghiệp. Có người chán việc vì nhận thấy môi trường làm việc không thể phát huy sở trường, hay mức lương thưởng chưa tương xứng với năng lực làm việc...
Giúp cơ thể thăng bằng
Chia sẻ với những ai đã và đang cảm thấy chán việc, không có động lực để làm việc hiệu quả, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn (TP.HCM), khuyên hãy xin nghỉ phép vài ngày để nghỉ ngơi, giúp cơ thể thăng bằng. Sau đó, phải suy xét nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân khiến mình chán việc cũng như phải định hướng lại xem công việc hiện tại có phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Ngoài ra, việc tạo những mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp cũng sẽ giúp yêu thích công việc hơn.
“Đặc biệt, cần có những biện pháp kích thích tinh thần như đặt ra các mục tiêu rõ ràng để cố gắng, thi đua với đồng nghiệp, hay chia sẻ những buồn vui, khó khăn đang vướng phải để tìm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và người thân cũng là những cách có thể giúp vượt qua thời điểm chán việc”, ông Duy khuyên.
Theo Văn Minh, kỹ sư công nghệ thông tin tại TP.HCM, chán việc rồi nghỉ và kiếm việc mới cũng là giải pháp hợp lý. Nhưng trước khi xin nghỉ việc, thử dọn dẹp lại bàn làm việc, vứt bỏ những thứ giấy tờ không cần thiết, để mọi thứ trở nên ngăn nắp, gọn gàng... xem có đỡ chán việc không. Vì nhiều người chán việc chỉ vì hằng ngày phải ngồi tại bàn làm việc ngổn ngang mọi thứ... do chính họ bày bừa ra.
Còn Thi Kiều, kế toán viên tại TP.HCM, mách: “Mỗi lần mình stress, không muốn làm việc là xin nghỉ phép đi du lịch thư giãn, lấy lại động lực để làm việc tốt hơn sau kỳ nghỉ”.
Hoàng Đạo, nhân viên văn phòng ở Bến Tre, cho hay: “Có những đồng nghiệp chán việc vì họ tự ti năng lực bản thân, lo ngại không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu rơi vào trường hợp này, thay vì chán nản, hãy học hỏi đồng nghiệp, trau dồi thêm kiến thức để tự tin hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.