“Phỏng vấn thử, thành công thật”

14/01/2010 14:12 GMT+7

Nhiều sinh viên tham gia chương trình đã được nhà tuyển dụng đánh giá cao và lưu giữ hồ sơ để ưu tiên tuyển chọn sau này.

Cách đây không lâu, tại chương trình “Phỏng vấn thử - thành công thật” do Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM tổ chức, Nguyễn Thị Kim Khuyên rất vui mừng khi nhận được học bổng trị giá 400.000 đồng sau khi tham dự vòng phỏng vấn thử. Cô khoe: “Tôi được chọn trong số hơn 400 bạn. Không biết nhà tuyển dụng (NTD) có ưu ái hay không vì tôi chưa hề có kinh nghiệm trong phỏng vấn tìm việc”.

Vạch kế hoạch cho tương lai

Là sinh viên năm 3 của Trường ĐH Ngoại thương, Khuyên đăng ký tham gia để tập dượt, chuẩn bị tìm việc làm khi ra trường. Khuyên cho biết: “Khi biết NTD đến từ công ty nước ngoài, tôi nghĩ ngay đến khả năng phỏng vấn bằng tiếng Anh. Và thực tế đúng như vậy”.

Khi Khuyên trả lời “có thể”, NTD liền thực hiện ngay cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh. Hàng loạt câu hỏi về sở thích, nguyện vọng được đặt ra, trong đó có câu: “Trong 3 năm nữa, bạn đặt mục tiêu nghề nghiệp là gì? Bạn sẽ làm gì để đạt mục tiêu đó?”. Không ngại ngần, Khuyên đáp: “Ba năm tới, tôi sẽ trở thành trợ lý giám đốc. Để đạt được mục tiêu của mình, trước hết tôi sẽ học thật tốt để đạt loại giỏi ở kỳ thi tốt nghiệp. Sau đó, tôi sẽ tìm việc tại một ngân hàng. Trong vòng 2 năm đầu, tôi sẽ phấn đấu trở thành trưởng phòng bằng cách làm việc chăm chỉ, học hỏi thêm kinh nghiệm để tích lũy kiến thức”...

Nhằm trang bị thêm cho sinh viên kiến thức và kỹ năng tìm việc sau này, trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM đã tổ chức chương trình “Phỏng vấn thử - thành công thật”. Sang năm 2010, chương trình sẽ được tiếp tục duy trì. Dự kiến vào tháng 3, chúng tôi sẽ khởi động chương trình để tạo điều kiện cho bạn trẻ vững vàng hơn trong những cuộc phỏng vấn sau này.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng (Phó trưởng Phòng Hỗ trợ đời sống sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TPHCM)

Với phần trình bày khá trôi chảy, khả năng nói tiếng Anh lưu loát, Khuyên được NTD đánh giá cao và đề nghị: “Nếu ngay bây giờ, tôi nhận bạn vào vị trí trợ lý, bạn thấy thế nào?”.  Khuyên đáp: “Rất cảm ơn lời đề nghị của công ty nhưng trước hết tôi phải hoàn tất chương trình học để lấy bằng tốt nghiệp. Hiện tại, tôi cũng chưa đủ kiến thức, kỹ năng để đảm nhận công việc này mà cần có thời gian để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm”. Chính sự tự tin, xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng đã giúp Khuyên được NTD chọn giữ lại hồ sơ sau buổi phỏng vấn.

Được đánh giá cao vì biết cảm ơn

Nhiều sinh viên tham gia phỏng vấn có vẻ rụt rè trước các NTD nhưng Nguyễn Thị Đoan Thanh, sinh viên năm 3 Khoa Kinh tế - ĐH Quốc gia TPHCM, lại khác hẳn. Hôm ấy, nhóm của Thanh có hơn 20 sinh viên được chia thành 2 đội để nêu lên ý kiến về việc có nên làm thêm trong thời gian học? Nhóm của Thanh bảo vệ xu hướng không nên làm thêm. Nhiều thành viên trong nhóm phản bác việc làm thêm nhưng không nêu được lý do thuyết phục, riêng Thanh thì lập luận: “Theo tôi, làm thêm vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa có thêm thu nhập là một suy nghĩ đúng. Nhưng việc làm thêm cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học nếu như không biết cân đối thời gian. Chính vì thế, bản thân tôi không chọn việc làm thêm trong lúc đi học mà tham gia tích cực công tác Đoàn, hội hay các hoạt động xã hội khác”.

Kết thúc phần trình bày, Thanh không quên cảm ơn những người đã lắng nghe mình và ban tổ chức. Cô vừa dứt lời, những tràng vỗ tay đã vang lên. Sau đó, Thanh đã được NTD chọn là ứng viên sáng giá nhất trong số mấy chục sinh viên tham gia phỏng vấn. Giải thích cho lời cảm ơn của mình, Thanh nói: “Tôi nghĩ phỏng vấn không chỉ là dịp để ứng viên thể hiện tài năng mà còn là văn hóa trong giao tiếp. Lời cảm ơn của tôi xuất phát từ sự biết ơn chân thành dành cho những nhà tổ chức chứ không chỉ là lời nói xã giao”.

Mạnh dạn... hỏi

Sinh viên Trần Thị Bích Liên, đang học năm 4 ngành tài chính ngân hàng – Trường ĐH Kinh tế TPHCM, lại chinh phục NTD bằng cách khác. Sau phần trao đổi về bản thân, nguyện vọng nghề nghiệp cũng như sở thích trở thành kiểm toán trong các công ty nước ngoài, Liên đã mạnh dạn hỏi NTD: “Vì đây là lần phỏng vấn đầu tiên, tôi biết mình vẫn chưa đủ tự tin. Vậy, làm thế nào để có được sự tự tin khi phỏng vấn?”. Từ người bị phỏng vấn, Liên đã thay đổi tình thế khi đặt cho NTD nhiều vấn đề mà cô cần sự chia sẻ từ những người đi trước.

NTD chia sẻ: “Muốn có sự tự tin, bạn phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức không chỉ trong học tập mà cả kiến thức về văn hóa, xã hội... Sự tự tin sẽ có được khi ta có đầy đủ kiến thức và kỹ năng; nếu không, dù có muốn bạn cũng không tạo ra được...”. Không dừng lại ở đó, Liên còn đặt ra rất nhiều câu hỏi cho NTD. Kết quả là cô được NTD đánh giá cao chính vì sự chủ động và “hay hỏi” ấy.

Theo Huỳnh Nga / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.