Thấy mà lo lắng

14/07/2011 08:03 GMT+7

Đa số cuộc gọi đến tìm nhà trọ, câu hỏi đầu tiên của các em là có chung chủ không, có khép kín, có mạng không, thậm chí có thể cho bạn khác giới đến ở cùng không…

Những phàn nàn của sinh viên thuê trọ thường là chủ nhà khó tính, không cho bạn bè khác giới đến chơi, nên ai cũng muốn tìm một căn nhà có “không gian riêng tư”.

Những căn phòng khép kín và cách biệt thường được thuê với giá cao so với những phòng ở chung một phần cũng vì thế.

Vào nhà trọ được một tháng, H., sinh viên khoa Hóa trường ĐH K. ốm, người yêu của H. lập tức từ quê ra thăm.

Lấy lý do đường xa không về kịp, bạn bè ở Hà Nội không có ai, nhà nghỉ thì đắt, H. nằn nì xin chủ nhà cho bạn trai rải chiếu nằm ở nhà xe, hôm sau về sớm.

Nào ngờ hôm sau dậy đi học sớm, cô bạn cùng phòng giật bắn mình khi thấy hai anh chị lõa lồ ôm nhau trong nhà xe ngủ ngon lành. Lần thứ nhất, lần thứ hai… chủ nhà phải “đuổi khéo” H. đi để tránh rắc rối về sau.

Tương tự là chuyện diễn ra trong kỳ thực tập của N.T. L., quê Bắc Giang, sinh viên năm cuối Học viện T.

Một đêm, trước giờ đi ngủ, chủ nhà đi kiểm tra các phòng thì không thiếu không thừa một ai nhưng đến sáng hôm sau đã thấy một đôi giày đàn ông của bạn L. ngoài cửa.

Lần sau, “dấu giày” vào hẳn trong phòng và ở lại đến sáng. Tiếp theo, L. chuyển ra ngoài, ở hẳn với bạn trai nhưng mỗi tháng vẫn đóng tiền nhà để cô bạn ở cùng đối phó với bố mẹ mỗi khi họ gọi điện lên “kiểm tra”.

Đau đớn hơn là trường hợp của Ch. sinh viên Học viện B., xinh đẹp, học giỏi nhưng trót yêu phải người yêu của cô bạn cùng phòng, chả biết hai cô thương thảo với nhau thế nào mà chàng trai có thể đến phòng chơi với cả hai một lúc, kết quả là hai cô đều có… em bé. Khổ cho người mẹ Ch. một lần ở quê ra, vô tình nhìn thấy cuốn bệnh án của con với tiền sử phá thai 3 lần mà ngã ngửa.

Một số người cho thuê trọ có kinh nghiệm tiết lộ, họ chỉ cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai thuê nhà. Bởi khi đó các em mới ở quê ra, còn ngoan ngoãn, sang đến năm thứ ba, thứ tư thì các em đã thay đổi khá nhiều. Thậm chí, bà Thanh, một chủ nhà trọ ở Q. Hoàng Mai, cho biết: “Cạnh nhà có mấy cháu sinh viên thuê, chúng nó chơi bời sau nợ nần, phải đi làm gái, rồi “hành nghề” luôn ở đấy. Một hôm công an đến bắt quả tang hàng chục đứa”.

Bà Hảo, một viên chức nghỉ hưu có nhà thuê kể về kinh nghiệm 5 năm cho sinh viên thuê nhà: “Có cháu đòi đưa bạn bè đến đàn đúm không được, nó gọi điện mắng mình xơi xơi. Có cậu còn nghiện hút, mang tiếng xấu cho nhà chủ, thế là lại phải tăng tiền nhà lên thật cao như một cách “đuổi” các cháu đi”.

Tuy nhiên, cả bà Hảo lẫn bà Thanh đều cho rằng, cũng có nhiều sinh viên rất chăm chỉ học tập, ngoan ngoãn đến thuê trọ làm họ rất vui lòng. Bà Thanh còn kể chuyện một nhóm sinh viên khoa Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên thuê nhà, sau khi ra trường đã được bà giới thiệu vào một công ty hóa chất mà chồng bà làm việc. Nay họ đã đi làm và có gia đình nhưng vẫn được bà coi như con cháu trong nhà.

Không ít những câu chuyện xúc động sau cánh cửa nhà trọ sinh viên như chúng tôi đã nói trong bài viết trước, nhưng ở đó cũng không thiếu những việc đã làm xấu đi hình ảnh sinh viên khi về thủ đô học tập.

Từ góc độ những người cho thuê trọ, chúng tôi xin kể những câu chuyện này với mong muốn giúp các em cũng như các bậc phụ huynh tham khảo và rút ra những bài học cho mình.

Trang Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.