Thời của những lớp học nữ công

15/10/2016 14:31 GMT+7

Tự may quần áo, tự trang trí cho trang phục bằng những hình thêu đầy nghệ thuật hay tự làm chăn mền, túi da...

Trước nhu cầu đó, các lớp học dạy làm đồ handmade nở rộ và được nhiều người đón nhận.
Chị Nguyễn Trang, nhân viên văn phòng tại TP.HCM từng theo học lớp dạy may vá tại Junior Art Club cho biết: “Ban đầu tôi học lớp dạy may vá theo lời rủ rê của cô bạn. Nhưng đến khi vào học rồi thì lại mê. Vì lớp học rất sinh động với các giờ thực hành chứ không theo kiểu lý thuyết. Chỉ sau vài ngày học là tôi đã có thể tự may cho mình một bộ đầm khá xinh”. Theo chị Trang, học phí lớp may vá chưa đến 1 triệu đồng, học viên được cung cấp vải, chỉ và được sử dụng các dụng cụ như máy may, kéo… tại nơi học được mang sản phẩm về sau khi hoàn tất.
Thời của những lớp học nữ công 1
Chia sẻ về các lớp học tại Junior Art Club, đại diện trung tâm này cho biết: “Hầu như các lớp ở đây đều dành cho người mới bắt đầu. Tùy theo sở thích bạn có thể chọn lớp phù hợp. Nếu chưa biết gì bạn nên tham gia lớp thời trang cơ bản để vừa được học lý thuyết vừa được thực hành may hoàn thiện sản phẩm nữa. Sau đó có thể học lên lớp nâng cao hoặc lớp vẽ rập.
Độc đáo 'xé' giấy làm nữ trang
Mê cái đẹp và bị 'nghiện' phụ kiện thời trang, cô gái nhỏ nhắn Thái Trang gần đây theo đuổi nghệ thuật làm phụ kiện từ những tờ tạp chí. Khi cầm trên tay chiếc vòng quyến rũ, ít người biết đây là sản phẩm tái chế.
Ngoài ra, hiện Junior Art Club có rất nhiều chương trình học may hấp dẫn như: khóa thời trang cơ bản (đồ nam/đồ nữ), thời trang nâng cao (đồ công sở/đồ đầm), phương pháp vẽ rập, dạy cắt may đồ cho người lớn. Khóa thời trang trẻ em dạy may đồ bé trai và bé gái, khóa may áo dài cách tân cho mẹ và bé, khóa may sườn xám cho mẹ và bé, lớp làm đồ handmade, lớp làm búp bê vải. Mỗi lớp có mức học phí và thời gian học khác nhau”.
Thời của những lớp học nữ công 2
Nếu yêu thích công việc đan móc thì ngoài các lớp học của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM còn có một địa điểm nữa để bạn “thỉnh giáo” là lớp học của anh Đỗ Hoàng Quang. Tại đây, bạn sẽ được hướng dẫn “tạo” ra các búp bê là nhân vật hoạt hình hoặc động vật cũng như hoa lá… Ngoài ra, các bạn cũng có thể học móc áo, móc giày và nón. Bạn Thanh Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từng học móc hoa và thú len ở đây cho biết: “Tôi cũng từng tự học đan móc qua mạng, nhưng khi đến lớp học của thầy Quang thì mới bắt đầu mê mẩn thú chơi này. Bởi thầy dạy rất nhiều thứ mà trên mạng không có hướng dẫn. Kết thúc khóa học, những thành quả đạt được như búp bê chẳng hạn đã trở thành món quà mà cô con gái nhỏ của tôi rất yêu thích”.
Thời của những lớp học nữ công 3
Trong khi đó, bạn Nguyên Hà nhà ở tận Lái Thiêu, Bình Dương nhưng cứ mỗi cuối tuần lại lên Sài Gòn để tham gia vào các lớp học dạy may vá ở đường Dương Bá Trạc, Q.8 hoặc lớp dạy làm chăn bông ở Junior Art Club. Hiện đang theo lớp học làm da mà các thành viên trong group Facebook SAI GON HANDMADE LEATHER mở, Nguyên Hà chia sẻ thêm niềm đam mê làm đồ handmade của mình: “Khi theo học những lớp này, tôi vừa được thỏa mãn sở thích vừa biết được cách có thể tạo ra những sản phẩm đẹp, độc và lạ. Những sản phẩm như chăn mền, túi da có thể để dành xài hoặc tặng bạn bè vào mỗi dịp đặc biệt. Ước mơ của tôi là sau này có thể mở được một lớp dạy tất cả các môn như may túi, may áo, thêu thùa tại Bình Dương để các bạn có cùng niềm đam mê có thể đến đó trao đổi và học hỏi, chứ không cần phải đi đường xa vào Sài Gòn”.
Thời của những lớp học nữ công 4
Những ai mê tranh, yêu cọ và muốn ứng dụng vào trang phục có thể tham gia lớp dạy vẽ trên vải ở Công trường Quốc tế (Q.3). Tại đây, các bạn sẽ được rèn luyện kỹ năng cầm cọ tải màu acrylic trên vải, học cách phối màu cho từng chất liệu, màu vải và cách xử lý từng chất liệu vải. Với học phí 3,3 triệu đồng trong vòng một tháng rưỡi, các học viên được bao màu vẽ. Riêng về những vật dụng còn lại như cọ vẽ, khung căn vải, vải thì các bạn học viên có thể tự chuẩn bị hoặc nhờ giáo viên hỗ trợ.
Thời của những lớp học nữ công 5
Tại Hà Nội, những người đam mê làm thủ công đã chọn lớp thêu tay truyền thống của chị Bùi Tố Tâm. Chị Tâm là một trong những người đầu tiên thắp lên ngọn lửa đam mê khi thành lập nhóm Túi ví vải và nghệ thuật ghép vải trên Facebook với hơn 9.000 thành viên. Theo chị Tâm, lớp thêu tay truyền thống (lớp cơ bản), gồm 4 buổi với nội dung như sau: Giới thiệu về thêu tay truyền thống Việt, giới thiệu và hướng dẫn về dụng cụ và nguyên vật liệu (từ cách căng các loại khung, đến các cách vẽ mẫu thêu lên vải…). Các học viên sẽ được tìm hiểu các kỹ thuật thêu nối đầu (tức là nối đầu uốn lượn, nối đầu đường thẳng và nối đầu cong vòng), thêu chăng chặn, thêu lướt vặn (với nhiều lối khác nhau), thêu bó bạt, thêu đâm xô phối hợp màu sắc, thêu đột... Dụng cụ và nguyên vật liệu gồm khung thêu, chỉ thêu, kim thêu, kéo cắt chỉ. Những ai không chuẩn bị được thì yêu cầu lớp cung cấp. Học phí 500 nghìn đồng cho khóa học, đã bao gồm nguyên phụ liệu hỗ trợ cho bài học ở lớp, như chỉ thêu, bút vẽ trắng lên vải đen, sứ cắt chỉ, mẫu thêu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.