Vượt qua 3.700 thí sinh...

17/11/2013 03:00 GMT+7

Từ sự tình cờ, Nguyễn Thị Thanh Vy đã giành giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2013 của Trường đại học Ngoại thương (cơ sở 2).

Từ sự tình cờ, Nguyễn Thị Thanh Vy đã giành giải thưởng tài năng Lương Văn Can năm 2013 của Trường đại học Ngoại thương (cơ sở 2).

 
Nguyễn Thị Thanh Vy (ảnh nhỏ) và những sản phẩm dễ thương làm bằng len của Vy - Ảnh: X.P

Một lần dọn dẹp nhà tình cờ phát hiện có đống len rơi vãi, thế là Vy quyết định "làm bạn" và kết thân lại với len. Cố gắng học từ sách, trên mạng, Vy cũng “vượt qua chính mình” khi móc được những con vật bằng len khá dễ thương.

Sau đó đem khoe những sản phẩm này trên trang cá nhân cho bạn bè xem và bất ngờ được mọi người nhấn like nhiệt liệt.

Bất ngờ hơn khi những sản phẩm ấy được chia sẻ đi rất nhiều. Bên cạnh những lời khen tặng, hằng ngày Vy nhận được khá nhiều lời đề nghị đặt mua. "Vậy thì tại sao mình không nhận lời và tập tành kinh doanh?", ý nghĩ lóe lên và cô gái nhỏ nhắn này bắt đầu kinh doanh từ đó.

Sản phẩm của Vy làm ra là những con thú, mô hình những vật dụng, những chú Minion siêu dễ thương… được đan từ len, Vy đặt tên là Amibus.

Vy lựa chọn mạng xã hội Facebook để làm nơi kết nối, giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ngoài ra, những phiên chợ bán đồ cũ, đồ làm bằng tay diễn ra tại TP.HCM như: Saigon Flea Market, Saigon Bazzar, Nhà văn hóa Thanh niên diễn ra hằng tháng... luôn được Vy lưu tâm, đặt gian hàng để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.

Tỉ mỉ, khéo léo, chú trọng từng chi tiết nhỏ trong sản phẩm, cũng như tiếp nhận những ý kiến đóng góp từ khách hàng để mỗi ngày hoàn thiện sản phẩm ở mức tốt nhất, dần dần những sản phẩm thu hút khách hàng nhiều hơn. Không chỉ tại TP.HCM mà Vy còn nhận những đơn đặt hàng ở khắp các tỉnh trên toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài... Đến nỗi vì nhận đơn hàng quá nhiều, Vy lo lắng không làm kịp để giao đúng hẹn.

Vô tình Vy biết được giải thưởng tài năng Lương Văn Can - cuộc thi ý tưởng kinh doanh từ bạn bè. Tuy nhiên, khi nhìn thời hạn nhận ý tưởng kinh doanh chỉ còn 2 ngày, Vy đã định không thi. "Nhưng nhớ lại hình ảnh những em bé mồ côi, khuyết tật ở một giáo xứ tại Đà Lạt rất tỉ mỉ, khéo léo thực hiện những sản phẩm thủ công rất đẹp và có hồn. Điều đó đã thôi thúc mình phải thi", Vy nhớ lại.

Thế là cô nữ sinh chuyên ngành kinh tế đối ngoại này lên mạng tìm hiểu và lập ra đề án “Amibus - Mở rộng phát triển sản xuất thú len làm hoàn toàn bằng tay” và dự thi thử.

Không ngờ đề án này đã khiến Ban giám khảo nhận xét là bài thi thuyết phục nhất, vì nhiều lý do như: có những mục tiêu rõ ràng nên làm tăng tính thực tế, khả thi của dự án; biết nhận ra những vấn đề thực tế, những điểm mạnh, yếu mà bản thân đối mặt để tìm ra hướng giải quyết chứ không tô hồng dự án…

Chính nhờ sự thật thà của mình nên Vy đã nhận được nhiều ưu ái, là những gợi ý của Ban giám khảo như: cần sáng tạo các mẫu mang tính Việt Nam như chú tễu, con trâu nước vào sản phẩm; đặt tên cho những sản phẩm thú bông; và hãy đem dự án này tham gia các cuộc thi khởi nghiệp quy mô quốc tế…

Và hơn hết, Vy đã vượt qua 3.700 thí sinh khác để giành giải đặc biệt cuộc thi với giải thưởng 50 triệu đồng.

Chia sẻ với những sinh viên đã và đang có ý định kinh doanh khởi nghiệp, Vy bảo: “Các bạn hãy “quăng” mình vào đam mê, yêu thích. Hãy tin vào bản thân, hãy lăn xả nhiều hơn để tìm cho mình những cơ hội từ những cuộc thi khởi nghiệp. Từ đó sẽ học hỏi được nhiều điều, cả niềm đam mê lẫn kinh nghiệm”.

Hiện, Vy tất bật với dự án kinh doanh này để không chỉ có thêm thu nhập cho chính mình mà còn biến ước mong giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật có thêm việc làm thành hiện thực.

Xuân Phương

>> Tấm thảm dệt thủ công lớn nhất thế giới
>> Sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ
>> Chơi" trang sức thủ công
>> Độc đáo hàng thủ công mỹ nghệ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.