Xu hướng học từ màn hình của giới trẻ

07/09/2017 18:32 GMT+7

Các cuộc khảo sát cho thấy người trẻ có xu hướng dùng thiết bị công nghệ để tìm kiếm kiến thức hơn là giao tiếp với người thật, việc thật.

Cuộc khảo sát của Tổ chức phi lợi nhuận Growing Leaders với hơn 2.000 thanh niên độ tuổi 18 - 34 tại Mỹ phát hiện 69% nghĩ rằng họ có thể học mọi thứ thông qua thiết bị công nghệ hơn là từ trường lớp hay những người xung quanh. Trong khi đó, với thế hệ trên 45 tuổi thì chưa tới 50% có nhận định tương tự.
Ông Tim Elmore, Giám đốc Growing Leaders, cho biết giới trẻ có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn khi học và tìm hiểu bất kỳ vấn đề gì mới, từ cập nhật thông tin công nghệ đến vấn đề giới tính, thông qua internet. “Đây là điều ngành giáo dục cần phải lưu tâm trong công tác đào tạo và hoạch định chính sách cho tương lai”, tờ The Telegraph dẫn lời ông Elmore.
Nếu các trường không sớm áp dụng hoặc xây dựng định hướng nhắm đến phương pháp giảng dạy kết hợp với công nghệ thì sẽ khiến ngày càng nhiều thanh thiếu niên mất hứng thú với cách học tập truyền thống. “Khi đó, không chỉ đại học mà ngay cả ở trung học, cấp đòi hỏi phải tập trung đến lớp thường xuyên, cũng sẽ khiến người trẻ chán nản”, theo chuyên gia Elmore. Trong khi đó, nhiều nhà giáo dục bày tỏ lo ngại rằng tiến độ cải cách kết hợp phương pháp giáo dục truyền thống với công nghệ vẫn đang diễn tiến chậm chạp và không đồng đều trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu cơ sở hạ tầng cũng như tâm lý ngại thay đổi lớn của giáo viên lẫn các nhà quản lý chính sách.
Hiện nay, đã có nhiều tổ chức giáo dục tư nhân và các trường đại học kém tên tuổi ở một số nước phát triển loại hình đào tạo trực tuyến với học phí thấp và học viên có thể linh động lựa chọn, sắp xếp thời gian tham gia. Ông Elmore dự đoán trong tương lai gần, thế hệ trẻ sẽ lựa chọn mô hình này và không còn mặn mà với việc vào đại học kiểu truyền thống vì tốn kém. “Họ tốt nghiệp đại học với món nợ sinh viên trên vai và chưa chắc tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành ngay sau khi tốt nghiệp”, ông lưu ý. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại một thế hệ sinh viên tốt nghiệp đại học online liệu có trang bị đủ kỹ năng cần thiết khi vào đời hay không. Một vấn đề khác là hiện công tác quản lý các lớp học trên mạng vẫn còn khá lỏng lẻo, khó bảo đảm chất lượng hoặc ngăn ngừa tình trạng bằng giả.
Thực tế rõ ràng bên cạnh việc dễ dàng tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại, internet cũng là “hang ổ” của thông tin giả mạo, phản khoa học, thậm chí độc hại. Đa số người trẻ tham gia khảo sát của Growing Leaders thừa nhận họ cảm thấy “ngộp thở” vì thông tin tràn lan trên mạng, đôi lúc mất định hướng. “Chính vì thế, các nhà giáo dục và cha mẹ cần có biện pháp định hướng, hỗ trợ họ sàng lọc thông tin, tăng cường giao tiếp”, ông Elmore khuyến cáo.
Mặt khác, giới chuyên gia cảnh báo hoạt động học trên màn hình khiến giới trẻ ngày càng thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội. “Thực tế cho thấy nhiều thanh thiếu niên, sinh viên và học sinh trung học dành quá nhiều thời gian sử dụng thiết bị công nghệ và mạng xã hội đến mức họ không thể đọc hết một quyển sách, sống xa rời thực tế”, Giáo sư Mark Bauerlein tại Đại học Atlanta (Mỹ) nhận định. Trong quyển sách tựa đề Đừng tin tưởng những người dưới 30, Giáo sư Bauerlein lưu ý thanh thiếu niên thời đại kỹ thuật số ngày càng ít giao tiếp trực diện với cha mẹ, thầy cô để tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm hay nhờ tư vấn về các vấn đề trong cuộc sống. “Trước đây, bạn bè tụ tập trò chuyện, buổi tối gia đình quây quần bên nhau nhưng xu hướng thời nay là gặp mặt, chào hỏi vài câu chiếu lệ rồi mỗi người chìm đắm vào điện thoại hay máy tính bảng”, ông viết trong sách của mình.
Tờ The Washington Post dẫn kết quả khảo sát của Đại học Bang California cho thấy hơn 90% người sử dụng smartphone dưới 35 tuổi lấy điện thoại ra nhìn màn hình nhiều lần trong ngày, dù họ không nhận tin nhắn hay cuộc gọi nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.