Khủng hoảng ngân hàng Mỹ và ảnh hưởng lan rộng

Bảo Vinh
Bảo Vinh
15/03/2023 06:30 GMT+7

Những tác động từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) của Mỹ đã lan rộng ra nhóm cổ phiếu ngân hàng toàn cầu trong ngày 14.3, bất chấp những nỗ lực đảm bảo từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Sự sụp đổ của SVB và Ngân hàng Signature là hai vụ phá sản lớn nhất trong ngành ngân hàng Mỹ kể từ sau năm 2008.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Bộ Tài chính và Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) - cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ được chỉ định tiếp nhận xử lý tài sản của các ngân hàng, đã có các biện pháp trấn an người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khác. Những biện pháp được công bố vào ngày 12.3 giúp thị trường khởi sắc hơn.

Khủng hoảng ngân hàng Mỹ và ảnh hưởng lan rộng - Ảnh 1.

Sự sụp đổ của SVB gây ảnh hưởng nhóm cổ phiếu ngân hàng toàn cầu

Reuters

Theo AFP, chỉ số Nasdaq kết thúc phiên giao dịch ngày 13.3 (giờ Mỹ) tăng 0,45%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiếp tục né các cổ phiếu ngành ngân hàng trong ngày và giới phân tích vẫn lo ngại ảnh hưởng rộng hơn từ sự sụp đổ của SVB.

Tại châu Á, thị trường cổ phiếu tràn ngập sắc đỏ trong ngày 14.3, trong đó thị trường Tokyo, Hồng Kông, Seoul giảm hơn 2% khi chốt phiên, trong khi Sydney, Đài Bắc, Manila, Jakarta và Bangkok giảm hơn 1%. Các thị trường Thượng Hải, Mumbai, Singapore và Wellington cũng giảm.

Trong số các ngân hàng tại khu vực, Mitsubishi UFJ Financial và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật giảm lần lượt hơn 8% và 7%, HSBC tại Hồng Kông giảm hơn 5%. Theo Reuters, chỉ số các ngân hàng tại châu Âu cũng giảm 0,6% thời điểm mở phiên vào ngày 14.3 sau khi ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hơn một năm vào ngày 13.3.

Bloomberg đưa tin giá trị các cổ phiếu tài chính toàn cầu đã bị giảm khoảng 465 tỉ USD chỉ trong 3 ngày. Chiến lược gia Rodrigo Catril của Ngân hàng quốc gia Úc cho rằng các biện pháp của nhà chức trách đã ngăn một cuộc rút tiền gửi khỏi ngân hàng Mỹ nhưng không đủ để tránh một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư.

SVB, ngân hàng số một cho nhiều start-up Mỹ, đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Mặt khác, các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng của tháng 2 và một mức lạm phát cao hơn dự báo có thể khiến Fed gặp khó xử giữa cuộc khủng hoảng của SVB. Những người trước đó dự báo Fed sẽ tăng lãi suất để chống lạm phát giờ rút lại và cho rằng lãi suất sẽ tăng chậm lại hoặc không tăng tại cuộc họp vào tuần tới, sau những vấn đề với ngành ngân hàng vừa qua.

"Vừa kiểm soát lạm phát trong khi cũng phải giải quyết sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng là điều khó khăn", nhà quản lý danh mục đầu tư của Hãng Quản lý đầu tư Alphinity (Úc) nói với Bloomberg.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs và Wells Fargo dự báo Fed sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất, trong khi các kinh tế gia của JPMorgan và Oxford Economics dự đoán Fed sẽ tăng ít hơn 25 điểm cơ sở, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.