Bán đất trên… giấy

17/05/2017 14:34 GMT+7

Mặc dù chỉ mới được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án khu nhà ở thương mại, nhưng một doanh nghiệp ở Quảng Bình đã mở bán hàng loạt và dùng nhiều chiêu trò để 'phù phép' giá đất.

Chưa triển khai đã rao bán
Nhiều người dân vừa khiếu nại tình trạng “mua đất trên giấy” tại khu đô thị 533 đường Trần Quang Khải, một vị trí khá đắc địa thuộc P.Đồng Phú, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) của Công ty TNHH đầu tư 533 Quảng Bình (Công ty 533). Vào cuộc tìm hiểu, PV Thanh Niên nhận thấy kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án này được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt theo Quyết định 852/QĐ-UBND ngày 17.3, diện tích sử dụng đất 10,3 ha, tổng mức đầu tư hơn 505 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 33 tỉ đồng, giá trị nộp ngân sách nhà nước hơn 135 tỉ đồng; thời gian thực hiện toàn bộ dự án 5 năm, bao gồm 1,5 năm đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại thực địa, toàn bộ khu vực làm dự án vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề có sự thay đổi nào hay dấu hiệu cho thấy triển khai dự án. Người dân sống trong khu vực cũng cho hay họ mới “nghe nói có dự án” chứ chưa được thông báo hay đền bù gì.
Về các thủ tục liên quan, đại diện Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Quảng Bình khẳng định đến thời điểm này mới chỉ có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư (Quyết định 852QĐ-UBND) chứ chưa hề có thiết kế dự án. Để tiếp tục triển khai, Công ty 533 phải làm nhiều thủ tục quan trọng như: phối hợp thỏa thuận với các đơn vị để lập phương án GPMB, chuyển tiền bồi thường để GPMB toàn bộ khu đất dự án; lập dự án, xin ý kiến các ngành liên quan, ý kiến của Sở Xây dựng. Khi được chấp thuận, chủ đầu tư sẽ phải làm thủ tục phê duyệt dự án, lập bản vẽ thi công, làm dự toán, tổ chức chọn nhà thầu thi công...

tin liên quan

Thị trường chao đảo vì thanh tra 'đất vàng'
Ngay sau khi Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi “đất vàng”, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng, cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai dự án.
Đặc biệt, vì đây là “dự án làm nhà ở thương mại” nên nếu bán đất nền phải được cấp có thẩm quyền cho phép. Trên thực tế, ngay khi vừa được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty 533 đã bán đất nền trá hình, huy động vốn dưới hình thức lập ra “giấy nhận giữ chỗ”. Để có được một tờ giấy “giữ chỗ”, người mua phải đóng 50 triệu đồng/lô bình thường, 100 triệu đồng/lô biệt thự; nếu sau này không mua thì số tiền đó không được hoàn trả. Ước tính, chỉ riêng tiền đăng ký chỗ, công ty đã thu về nhiều tỉ đồng. Còn việc nộp tiền đất được công ty chia làm 3 giai đoạn: sau khi mua chỗ khoảng 40 ngày sẽ làm hợp đồng và nộp 30%, lần 2 nộp 40%, lần 3 là 30% và được làm giấy tờ đất đưa ra công chứng.
“Thổi” giá đất
Trong vai người có nhu cầu mua đất nền, PV Thanh Niên đã gọi điện thoại cho ông Đoàn Kim Thụy, Giám đốc Công ty 533 và được ông trả lời: “Chúng tôi cho đăng ký mà hết rồi, đăng ký có 2 ngày thì hết, hết cách đây hơn 1 tháng. Khi đăng ký thì tự nguyện nộp ở phòng kinh doanh, nộp 50 triệu đồng mỗi lô. Chỗ đó đất đẹp, trung tâm, giá rẻ nên họ mua nhiều, có hơn 8 triệu mấy mét vuông”.
Sau khi phát hiện ra khu vực dự án chưa triển khai gì và thủ tục còn thiếu, nhiều khách hàng mất tiền “mua chỗ” đã bức xúc, tố Công ty 533 chiếm dụng vốn, gom đất và tạo sốt ảo. Trên thực tế, đã có một cơn sốt ảo đất nền của dự án này. Mặc dù đã bán với giá cao (hơn 8 triệu đồng đến gần 9 triệu đồng/m2) so với mặt bằng thu nhập tại Quảng Bình, nhưng với lý do trên, Công ty 533 đã “phác thảo” giai đoạn 2 của dự án trong khi... chưa hề có giai đoạn 1. Thực chất của “giai đoạn 2” đó là để công ty có cơ sở tăng giá từ 200.000 - 300.000 đồng/m2 với những lô đất được bán trong thời gian ấy. Vì thế, chính ông Thụy cũng úp mở “còn đất, nhưng để đợt 2, khoảng tháng rưỡi nữa bán”.
Đại diện phòng kinh doanh cho khách hàng xem “giấy nhận giữ chỗ” Ảnh: T.Q.N
Đáng lưu ý, đang có thông tin tố Công ty 533 “làm xiếc” nhằm moi tiền người có nhu cầu. Ngay trong cuộc điện thoại với chúng tôi, mặc dù trước đó nói đăng ký hết rồi nhưng sau ông Thụy lại “mở đường” kiểu để xem có ai nhượng lại không, nhưng với điều kiện người thế chỗ phải tốn 40 - 50 triệu đồng/lô (nếu có người nhượng lại). Trong khi đó, đại diện phòng kinh doanh của công ty xác nhận lô mở bán trong giai đoạn 1 đã hết. “Chuyển qua giai đoạn 2 mới có chứ giai đoạn 1 hết rồi, họ chọn đông lắm. Giờ bán lại với nhau, trao tay với nhau hết trơn, có mấy lô nhượng đó. Nếu mua thì bỏ gấp đôi, ví như lô 50 triệu đồng thì bỏ 100 triệu đồng và tui ghi chỗ lại cho 50 triệu đồng”, vị đại diện tên Đức nói.
Trong các văn bản, UBND tỉnh Quảng Bình đều yêu cầu chủ đầu tư thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật; các cơ quan chức năng phải quản lý, giám sát quá trình thực hiện của chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược và chưa bị phát hiện, xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.