Bế tắc của thỏa thuận thương mại Canada - EU là tin xấu cho TPP, TTIP

23/10/2016 22:26 GMT+7

Việc các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa Canada và Liên minh châu Âu (EU) đổ vỡ là dấu hiệu cho thấy thời đoạn khó khăn của toàn cầu hóa kinh tế đang đến.

Theo AFP, dù Ottawa và Brussels đã có bảy năm thương lượng, Hiệp ước CETA bị chặn hôm 21.10 sau khi khu vực Wallonia của Bỉ từ chối, khiến EU không thể phê duyệt thỏa thuận.
Đây là dấu hiệu đáng ngại cho một hiệp định thương mại đầy tham vọng khác: Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nối kết Mỹ với các nước EU. TTIP chịu sự phản đối gay gắt từ hai bờ Đại Tây Dương. Một hiệp định nữa cũng bế tắc vì Quốc hội Mỹ đến giờ vẫn từ chối phê duyệt, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ và 11 nước Thái Bình Dương.
Hiện giờ, cả hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều lên tiếng cho hay họ không ủng hộ TPP. Tình thế này là sự đảo ngược đáng kể của 1/4 thế kỷ các nền kinh tế hàng đầu hỗ trợ thương mại tự do và toàn cầu hóa từ ngày Bức tường Berlin sụp đổ. Sự nhiệt tình trên dần biến mất.
“Chúng ta đang nhìn thấy kết quả của sự thất bại nhiều thập kỷ mà giới lãnh đạo chính trị gặp phải trong việc quan tâm nghiêm túc về thương mại”, Edward Alden thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington (Mỹ) nói.
Những năm qua, cáo buộc cho rằng chuyện hạ thấp các rào cản thương mại và loại bỏ thuế nhập khẩu ở các nền kinh tế tiên tiến gây ra tình trạng phi công nghiệp hóa, khiến nhiều việc làm chảy về các nền kinh tế đang phát triển. Ông Alden cho biết: “Chúng ta nhìn thấy phản ứng dữ dội gây ra bởi chuyện bỏ quên những người thua cuộc từ thương mại”.
Debra Steger, cựu thương thuyết gia của Canada tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng nhắc đến xu hướng gia tăng của việc đổ lỗi các vấn đề kinh tế của một nước cho người ngoại quốc: “Nhiều người đang đổ hết lỗi lên người nhập cư và hàng hóa nhập khẩu vào đất nước. Họ muốn đổ lỗi cho thứ đến từ bên ngoài, không đổ lỗi cho thay đổi công nghệ hoặc chính sách trong nước tồi tệ”.
Lo lắng trước lựa chọn rời EU của Anh hồi tháng 6 và luận điệu chủ nghĩa bảo hộ của ông Donald Trump, giới lãnh đạo thế giới tìm cách đẩy lùi những đợt tấn công trên toàn cầu trong vài tháng qua. Trong kỳ gặp ở Washington hồi đầu tháng này, bộ trưởng tài chính các nước G20 thừa nhận rằng tăng trưởng kinh tế hiện không “công bằng” và cần nỗ lực thêm để hạ biên giới các nước xuống. Theo giới chức, thế giới giờ đây cần loại hình toàn cầu hóa mới.
Hiện không rõ thông điệp của họ có thuyết phục được những người chống TTIP ở Mỹ và châu Âu hay không. Những người phản đối ở châu Âu cho biết thỏa thuận trên làm xói mòn nhiều tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe để làm lợi cho các doanh nghiệp đa quốc gia.
Vấn đề quan trọng nữa là các hiệp định thương mại, như TTIP, TPP và CETA, đều đề xuất cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài nước, cho phép các doanh nghiệp khởi kiện, khiếu nại đối với quốc gia mà họ đầu tư vào. Yếu tố này đặc biệt bị than phiền trong trường hợp hiệp định CETA. Nhiều người cho rằng điểm trên có nguy cơ thỏa mãn “tính tham lam của các công ty”, chà đạp quyền con người và các tiêu chuẩn sức khỏe.
Một vấn đề khác là nhiều hiệp ước đã được đề xuất đang được tiến hành với ít tính minh bạch cho các vấn đề vô cùng quan trọng và phức tạp có liên quan. Chuyên gia Steger cho biết: “Có sự thiếu minh bạch, thiếu lời giải thích và thiếu sự tham vấn với công chúng. Kết thúc các cuộc đàm phán, khi thỏa thuận được hoàn tất, sẽ là lúc mà người dân nhìn vào và nói: “Ồ, chúng ta có một hiệp định. Nó dài 2.000 trang và bạn phải chấp nhận nó”. Các hiệp định thương mại không thể được làm theo cách này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.