Black Friday chưa hấp dẫn

29/11/2015 09:22 GMT+7

Ăn theo Black Friday - ngày mua sắm, giảm giá mạnh nhất trong năm - của Mỹ và nhiều nước khác, hàng loạt doanh nghiệp, trung tâm mua sắm trong nước cũng tổ chức chương trình khuyến mãi lớn trong ngày 27.11 và nhiều nơi kéo dài đến hết tháng 11 hoặc trong 1 tuần lễ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc giảm giá này vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Ăn theo Black Friday - ngày mua sắm, giảm giá mạnh nhất trong năm - của Mỹ và nhiều nước khác, hàng loạt doanh nghiệp, trung tâm mua sắm trong nước cũng tổ chức chương trình khuyến mãi lớn trong ngày 27.11 và nhiều nơi kéo dài đến hết tháng 11 hoặc trong 1 tuần lễ. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc giảm giá này vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Xếp hàng chờ mua sắm - Ảnh: D.Đ.MinhXếp hàng chờ mua sắm - Ảnh: D.Đ.Minh
Rồng rắn mua hàng
Kẹt xe, bãi giữ xe hết chỗ, người người đông nghẹt thở... là hình ảnh ở một số trung tâm thương mại lớn tại Q.1 (TP.HCM) trong ngày Black Friday 27.11 vừa qua. Đây là cơ hội mua sắm hàng hóa giá rẻ khi hầu hết các cửa hàng đồng loạt giảm từ 30 - 50% so với giá niêm yết, do đó đã thu hút hàng ngàn người đổ về những trung tâm này.

Một số hàng hóa như công nghệ thông tin, hàng thời trang... vòng đời sản phẩm rất ngắn, nên sau mỗi mùa nhu cầu bán hàng tồn, giải phóng kho để thu hồi vốn nhập hàng mới rất cao. Do đó, việc quy định chỉ được giảm giá hàng hóa dưới 50% là không phù hợp với thị trường hiện nay

Ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống Mai Nguyên
Có mặt tại Trung tâm thương mại Vincom, chị Ngọc Hương, nhân viên văn phòng ở Q.3, cho biết sau hơn 2 giờ vất vả xếp hàng, chen lấn tìm hàng rồi tính tiền... cuối cùng chị cũng tìm được một đôi giày hàng hiệu nước ngoài với giá hơn 1 triệu đồng, giảm 30% so với mức giá ban đầu. Chị Hương cho biết 2 năm nay, chị luôn chờ cơ hội này để mua được một số sản phẩm hàng hiệu yêu thích với giá chấp nhận được, vì nếu mua nguyên giá thì quá đắt. “Nhưng nếu giá giảm nhiều hơn, từ 50 - 70% như ở các nước thì chắc tôi sẽ mua nhiều hơn”, chị Hương nói.
Lượng khách hàng quá đông khiến nhiều cửa hàng phải làm rào chắn, khách bên trong cửa hàng ra thì mới cho người bên ngoài vào. Không chỉ có quần áo, giày dép hay túi xách mới thu hút được sự quan tâm của người dùng mà các sản phẩm công nghệ cũng tạo nên làn sóng mua sắm. Hệ thống cửa hàng mua bán điện thoại Mai Nguyên đưa ra gần 20.000 sản phẩm công nghệ giảm giá 50 - 70% và một vài sản phẩm giảm đến 90% từ ngày 27 - 29.11 đã thu hút khá đông khách hàng. Theo ông Mai Triều Nguyên, Giám đốc hệ thống Mai Nguyên, đây là lần đầu tiên đơn vị này tham gia bán hàng giảm giá nhân ngày Black Friday với sự phối hợp cùng Công ty phân phối PSD. “Vì mặt bằng cửa hàng nhỏ, khách lại quá đông nên công ty đưa ra giải pháp mỗi đợt chỉ từ 10-15 người (đủ chỗ trong cửa hàng và để nhân viên phục vụ) và mỗi người chỉ có thời gian 15 - 20 phút để lựa chọn sản phẩm muốn mua”, ông Nguyên cho biết.
Muốn giảm nhiều hơn cũng không được
Black Friday ở các nước thật sự là một ngày hội mua sắm và khuyến khích tiêu dùng để kích thích phát triển khi các nhà sản xuất, bán hàng đều giảm giá mạnh hàng hóa, có món giảm đến 90%. Không chỉ thế, trong năm các nhãn hiệu cũng thường xuyên giảm giá đến 50 - 70% so với giá ban đầu. Tuy nhiên, ở VN, hầu như các đơn vị chỉ giảm đến 50% là tối đa. Vì vậy, ngoại trừ một số hàng hiệu nổi tiếng và tập trung đông khách ở các trung tâm thương mại, còn lại các cửa hàng riêng lẻ lượng khách cũng không đông như kỳ vọng.
Đôi khi doanh nghiệp cần phải chấp nhận thua lỗ để đẩy hàng tồn kho, hàng đã qua mùa nhằm thu hồi lại vốn được đồng nào hay đồng đó. Muốn bán hàng giảm giá nhanh thì phải giảm sốc hơn nhiều chứ mức 50% là không ăn thua. Do đó, việc giảm giá như thế nào, giảm bao nhiêu nên để doanh nghiệp tự quyết
Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy
Vậy tại sao nước ngoài được giảm giá đến 70 - 80% liên tục trong năm mà tại VN thì không? Theo quy định của luật Thương mại hiện hành, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi không được vượt quá 50% giá ngay trước thời gian khuyến mãi. Điều này khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc xả hàng tồn kho hoặc thanh lý hàng hóa lỗi mốt...
Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, cho biết tất cả chương trình khuyến mãi đều phải đăng ký với Sở Công thương nên công ty không dám để giảm giá vượt mức quy định 50%, dù hiện nay mức giảm giá này không còn thu hút được nhiều người tiêu dùng vì tất cả thương hiệu khuyến mãi đồng đều như nhau. “Đôi khi doanh nghiệp cần phải chấp nhận thua lỗ để đẩy hàng tồn kho, hàng đã qua mùa nhằm thu hồi lại vốn được đồng nào hay đồng đó. Muốn bán hàng giảm giá nhanh thì phải giảm sốc hơn nhiều chứ mức 50% là không ăn thua. Vì nếu để tồn lâu thì hàng càng mất giá trị, doanh nghiệp càng phải trả lãi ngân hàng hoặc thiếu vốn thì càng thua lỗ nhiều hơn. Do đó, việc giảm giá như thế nào, giảm bao nhiêu nên để doanh nghiệp tự quyết”, bà Đoan nói.
Còn đại diện một siêu thị điện máy cho biết có những sản phẩm bị lỗi trong quá trình vận chuyển như bao bì hư hỏng, móp méo hoặc hàng trưng bày, khi đó doanh nghiệp sẵn sàng bán lỗ để thu hồi vốn. Nhưng vướng quy định nên đơn vị này thường chỉ bán giảm giá mạnh trong nội bộ, dẫn đến việc thanh lý rất chậm. “Rõ ràng, quy định này không chỉ hạn chế sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước mà còn làm mất cơ hội mua hàng hóa giá rẻ cho nhiều người tiêu dùng”, đại diện siêu thị này nói. Tương tự, ông Mai Triều Nguyên nêu ví dụ: Có những sản phẩm đã lỗi mốt thì phải giảm mạnh đến 90% khách hàng mới mua. Ví dụ: một chiếc điện thoại nhà sản xuất bỏ mẫu nhưng khách hàng mua trước đó vẫn còn đang sử dụng, nay Mai Nguyên bán bao da chỉ còn hơn 100.000 đồng thay vì giá 800.000 - 1 triệu đồng trước đó. Nếu chỉ giảm 50% thì chắc chắn sẽ không ai mua. “Một số hàng hóa như công nghệ thông tin, hàng thời trang... vòng đời sản phẩm rất ngắn, nên sau mỗi mùa nhu cầu bán hàng tồn, giải phóng kho để thu hồi vốn nhập hàng mới rất cao. Do đó, việc quy định chỉ được giảm giá hàng hóa dưới 50% là không phù hợp với thị trường hiện nay”, ông Nguyên phân tích.
Chen nhau lựa hàng
Chen nhau lựa hàng
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng mức giảm giá đưa ra dừng ở 50% là nhằm hạn chế hiện tượng bán phá giá triệt tiêu đối thủ, cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng thời trang, hàng tươi sống gần hết hạn sử dụng thì ở các nước doanh nghiệp giảm tối đa để bán hàng nhanh. Đó cũng là cơ hội cho nhiều người tiêu dùng mua được sản phẩm với giá rẻ hơn. Vì vậy, nên xem xét lại mức giảm với những mặt hàng này. “Các nước cũng có luật chống bán phá giá nhưng doanh nghiệp bán hàng trong nước vẫn được tự quyết định mức khuyến mãi cho riêng mình. Bởi nếu có dấu hiệu như bán hạ giá để thâu tóm hay thống lĩnh thị trường thì cơ quan quản lý kiểm tra và xử lý theo luật Cạnh tranh hoặc các cơ quan thuế bằng nghiệp vụ của mình để truy thu thuế nếu doanh nghiệp vi phạm. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét trên các cơ sở pháp lý khác để áp dụng phù hợp với thị trường, chứ không phải áp dụng máy móc, làm khó doanh nghiệp”, ông Long nói.
 
Không có chỗ cho giảm giá giả tạo
Đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối cho biết để tăng tính hấp dẫn cho các chương trình khuyến mãi, họ phải suy nghĩ thêm nhiều hình thức bổ sung ngoài việc chỉ được giảm giá tối đa 50%, như người mua hàng tổng cộng trên 1 triệu đồng sẽ được giảm thêm 10%... Nhưng cách làm này cũng không hấp dẫn vì bắt buộc người dùng phải mua nhiều hơn nhu cầu thực của họ. “Còn chuyện nâng giá bán trước khi giảm giá thì đâu đó chỉ tồn tại ở một vài cửa hàng nhỏ lẻ, không có thương hiệu. Bởi người tiêu dùng giờ rất khôn ngoan và dễ dàng so sánh với giá của các sản phẩm tương đương hoặc giá bán trước khi giảm. Nếu chỗ nào không thật sự giảm giá hay hàng giảm giá không chất lượng, quá cũ nát... sẽ chỉ khiến người dùng ra đi không trở lại”, bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.