Bỏ nhà máy bột, 'giữ' nhà máy giấy?

30/07/2016 07:45 GMT+7

Đó là vấn đề dư luận đang lo ngại khi dự thảo mới đây của Bộ Công thương trình Chính phủ theo hướng: không cho phép tiếp tục triển khai dự án nhà máy bột giấy nhưng nhà máy giấy có thể tiếp tục.

Trên thực tế, Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) là một cụm gồm ba hạng mục chính gồm nhà máy giấy công suất 420.000 tấn/năm, nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm và một số công trình hỗ trợ như cảng biển, nhà máy nhiệt điện 125 MW.
Cấp phép sai quy định
Theo Bộ Công thương, thời điểm Nhà máy giấy Lee & Man được cấp phép. Bộ Công nghiệp lúc đó chỉ đồng ý về chủ trương xây dựng nhà máy giấy 420.000 tấn/năm, sản phẩm làm ra là giấy bao bì và bao bì cao cấp. Nguyên liệu là giấy carton đã qua sử dụng (80% nhập khẩu) chứ không phải bột giấy được sản xuất từ gỗ rừng. Khi đó Bộ Công nghiệp cũng lưu ý chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định của nhà nước về nhập khẩu giấy loại và lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo Bộ Công thương, UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi thiết kế cơ sở của dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là sai phạm.
Còn với dự án nhà máy bột giấy 330.000 tấn/năm, Bộ Công thương cho biết, do không nhận được đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang nên không có ý kiến trước khi địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư. Việc tỉnh Hậu Giang cấp chứng nhận đầu tư mà không có ý kiến của bộ chuyên ngành là không đúng quy định của pháp luật. Nghị định 16/2005/NĐ-CP quy định, việc thẩm định thiết kế cơ sở với Dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của bộ chuyên ngành (ở đây khi đó là Bộ Công nghiệp). Nhưng trên thực tế, Bộ Công nghiệp đã không nhận được hồ sơ của chủ đầu tư đề nghị thẩm định thiết kế cơ sở của 2 dự án này. Như vậy cả dự án nhà máy giấy và bột giấy đều được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thiết kế cơ sở là không đúng theo quy định.
Dựa trên những căn cứ pháp lý trên, Bộ Công thương dự kiến kiến nghị với Chính phủ theo phương án: trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hậu Giang không cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án nhà máy bột giấy. Còn đối với dự án nhà máy giấy, đã được chấp thuận về chủ trương, được bổ sung vào “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy VN đến năm 2020, có xét đến năm 2025”. Chính vì vậy sẽ chờ kết luận thanh tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nếu đáp ứng được các quy định của nhà nước có thể cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai, đưa vào hoạt động.
Phải làm lại ĐTM
Nhiều ý kiến cho rằng, sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm nặng nhất. Để nhà máy giấy nằm ngay bên bờ sông Hậu sẽ gây nguy hiểm cho nguồn nước.
Chuyên gia sinh thái Nguyễn Hữu Thiện phân tích, không phải tất cả giấy phế liệu đều có thể tái chế thành giấy mới. Quá trình tái chế chỉ sử dụng 80% nguyên liệu, 20% còn lại là chất thải. Trong lượng giấy thu hồi đó, rất nhiều thứ không phải là giấy (dây nhợ, kim kẹp, đinh ghim, nhựa), sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống rác thải, chôn lấp. Giấy thải từ photocopy và máy in lazer sẽ có vấn đề lớn, bởi vì mực in là polymer plastic cần có hóa chất mạnh mới tẩy đi được. Kim loại nặng như đồng, chì, kẽm, cadmium đi vào nguồn nước và vào chuỗi thực phẩm của hệ sinh thái, tích lũy trong hệ sinh thái và gây nguy hiểm cho con người.
Cũng theo ông Thiện, quá trình xử lý có khâu đánh bột và sàng cũng cần rất nhiều hóa chất. Trong quy trình tái chế giấy phải sử dụng dung dịch NaOH làm cho giấy bung ra, để tách mực dính vào xơ. Vì giá thành của NaHO rẻ, nên rất khó tin là Lee & Man sẽ không sử dụng NaOH.
Chính vì vậy ông Thiện kiến nghị: Phải làm lại ĐTM một cách minh bạch theo hướng tham vấn cộng đồng. Cộng đồng ở đây gồm giới chuyên gia, cộng đồng chịu ảnh hưởng (rất rộng - do tính chất sông rạch chằng chịt), đại diện các tổ chức chịu ảnh hưởng (Nhà máy nước Cần Thơ, Trường ĐH Cần Thơ; các tổ chức có quan tâm)...
Mới đây, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cũng bày tỏ quan điểm: Các cơ quan chức năng cần minh bạch thông tin về các dự án và vấn đề môi trường phải là ưu tiên hàng đầu. Việc minh bạch thông tin cũng đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư yên tâm đầu tư nếu như thỏa mãn các điều kiện của Chính phủ và pháp luật quy định. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, nói: “Sau các sự cố của Vedan, Formosa bây giờ tôi nghĩ là mọi người đều quan ngại về tác động tiêu cực đến môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man. Đặc biệt nó lại nằm ở một khu vực trọng điểm về nông nghiệp và nhạy cảm như ĐBSCL. Tuy nhiên theo tôi cần phải xem quá trình cấp phép đúng hay chưa, khâu thẩm định như thế nào? Công nghệ sản xuất của nhà máy giấy có phải hiện đại không, ở mức độ nào của thế giới? Công nghệ xử lý chất thải của họ ra sao, mức độ nguy hại đến môi trường đến đâu? Nếu doanh nghiệp làm sai thì buộc họ phải làm đúng các yêu cầu kỹ thuật, bảo vệ tốt môi trường thì mới cho hoạt động. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ ra những thiếu sót, khiếm khuyết của chúng ta trong quá trình cấp phép và truy trách nhiệm đến cùng những người có liên quan”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà nhận định: “Dự án Nhà máy giấy Lee & Man tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, nếu không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”. Bộ Công thương cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Khu vực Tây Nam bộ có địa hình thấp và hệ thống sông ngòi đan xen. Trong khi đó, quá trình sản xuất bột giấy từ nguyên liệu gỗ sẽ sử dụng nhiều hóa chất nên dự án nhà máy bột giấy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Tiền Giang cấp phép nhà máy giấy 220 triệu USD
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết trong 4 tháng đầu năm 2016, cả nước có 697 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,08 tỉ USD, tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong danh sách các dự án lớn được cấp phép đáng chú ý có dự án Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương (Đài Loan) tại Tiền Giang với số vốn là 220 triệu USD. Dự án sản xuất các loại giấy Duplex, giấy Kcraf, giấy gia dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.