Boeing đang 'đau đầu' vì ông Donald Trump

10/12/2016 22:19 GMT+7

Nhiều cựu giám đốc và nhà điều hành hiện thời của hãng Boeing, nhà xuất khẩu lớn nhất Mỹ, cho hay họ lo lắng nhiều về lập trường đối đầu với Trung Quốc của ông Trump.

Theo CNN, quốc gia châu Á là thị trường tăng trưởng lớn nhất, quan trọng nhất đối với Boeing. Một cựu giám đốc điều hành cấp cao Boeing cho hay: “Khả năng tổn thương trước Trung Quốc là khá rõ ràng”. Boeing sẽ là mục tiêu hàng đầu trong bất kỳ biện pháp trừng phạt nào mà Trung Quốc đưa ra, nếu ông Trump thực hiện tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống là áp thuế “khủng” lên hàng nhập khẩu Đại lục.
Chuyện nhiều đơn hàng chuyển qua tay hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus có thể là đợt hạ sản xuất đầu tiên với Boeing. Mất việc làm và quan trọng hơn là mất thị phần sẽ tạo cơ hội cho Airbus giảm giá thành, giành thêm nhiều thỏa thuận mua bán mới.
1/4 trong số gần 500 chiếc máy bay Boeing 737 được giao trong năm 2015 đến tay các hãng bay Trung Quốc, phục vụ tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh và có quy mô lớn như toàn bộ dân số Mỹ. Thị trường Đại lục sẽ có giá trị 1.000 tỉ USD trong 20 năm tới.
Mỗi ngày, các nhà máy của Boeing ngập tràn tàu bay đầy màu sắc được thiết kế để giao cho các hãng bay Đại lục, những cái tên mà người Mỹ sẽ không nhận ra: Xiamen, 9 air, Donghai, Ruili, Hải Nam, Hà Bắc, Sơn Đông và Thâm Quyến.
Giới quản lý Boeing trước đây và hiện nay lo rằng quan điểm đối đầu gia tăng với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, hoặc chuyện gần gũi hơn về mặt ngoại giao đối với Đài Loan, đều có thể để lại hậu quả cho giới doanh nghiệp Mỹ. Boeing là hãng có nhiều thứ để mất nhất. Trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, có nhiều điều thiếu chắc chắn mà ông Trump đang đem đến: chủ nghĩa bảo hộ hoặc chủ nghĩa thực dụng.
Ông Donald Trump Reuters
Boeing không lạ gì với chuyện mắc kẹt giữa căng thẳng ngoại giao. Năm 2013, hãng mất thỏa thuận máy bay chiến đấu ở Brazil phần lớn do thông tin bị rò rỉ cho rằng Mỹ đã theo dõi Tổng thống Brazil. Lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga năm 2014 cũng đe dọa gián đoạn việc cung cấp titanium Nga vốn được dùng cho máy bay Boeing.
“Trung Quốc là trường hợp khác”, một cựu giám đốc điều hành quản lý các đơn hàng rất nhạy cảm với địa chính trị cho hay.
Vị thế của Boeing trong nền kinh tế Mỹ là không thể chối cãi. Không doanh nghiệp lớn nào hưởng trạng thái độc quyền trong nước vô song như Boeing. Họ chẳng có đối thủ cạnh tranh Mỹ nào kể từ năm 1997. “Mặt trận” duy nhất mà họ đối mặt là trên trường quốc tế, với đối thủ Pháp Airbus và nhiều cái tên đang lên khác.
Từ trước đến nay, tổng thống Mỹ đã và đang là nhân vật giúp Boeing tăng vị thế ở trong và ngoài nước nhiều nhất. Tổng thống Barack Obama nói với nhân viên Boeing năm 2012: “Tôi xứng đáng có chiếc đồng hồ vàng vì lúc nào tôi cũng bán hàng. Tôi sẽ đi đến bất cứ đâu để mở ra thị trường mới cho các sản phẩm của Mỹ”. Ông Obama nói đúng. Nhiều đơn hàng Boeing lớn thường nổi bật với việc là một phần của các chuyến thăm nhà nước giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc chọn máy bay Mỹ và châu Âu với mức độ như nhau trong quá trình xây dựng các hãng hàng không. Cùng lúc, họ cũng phát triển máy bay thương mại nội địa để có thể cạnh tranh với Boeing, Airbus trong tương lai.
Mở rộng sản xuất tại thị trường nóng là động thái thường thấy trong kinh doanh hàng không vũ trụ thế giới. Trong những năm tới, Boeing có kế hoạch mở cơ sở gần Thượng Hải để lắp đặt cabin bên trong mẫu Boeing 737 cho các hãng bay Đại lục. Airbus thì đã lắp ráp mẫu A320 ở Trung Quốc và vừa mở thêm một nhà máy tương tự tại Mỹ gần đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.