Các thành phố Trung Quốc có thể phình to đến mức nào?

26/08/2016 16:22 GMT+7

Khi Thượng Hải, một trong những thành phố lớn nhất thế giới, ra tín hiệu hạn chế nhận thêm dân mới, nhà báo hãng tin Bloomberg có bài viết bàn về cách các đô thị Đại lục có thể "phình ra" trong tương lai.

Bài viết dưới đây là góc nhìn của nhà báo Adam Minter của chuyên mục Bloomberg View. Ông Minter là tác giả quyển Junkyard Planet: Travels in the Billion-Dollar Trash Trade.
Thượng Hải là một trong những đô thị lớn nhất thế giới. Đây là nhà của hơn 24 triệu người. Hệ thống tàu điện ngầm Thượng Hải là hệ thống lớn nhất từng được xây dựng, mở rộng đến rìa nông thôn. Song mới đây, chính quyền Thượng Hải vừa lên tiếng cho hay “đã đủ rồi”, khi tài liệu công bố trong tuần này cho thấy đô thị dự kiến nhận chỉ 800.000 cư dân mới trong 24 năm tới. Thượng Hải đang trên đà trở thành “thành phố toàn cầu tuyệt vời”.
Đặt mức trần cho một trong những khu vực năng động nhất Đại lục có vẻ thiếu thực tế. Song chính quyền Thượng Hải thực sự nghĩ lớn hơn: Kế hoạch trên mường tượng đô thị này là trung tâm cao cấp, tọa lạc tại trung tâm của một “cụm thành phố” lớn bao gồm 30 khu vực đô thị, với tổng số dân đáng kinh ngạc là 50 triệu người.
Điều này nghe cực “khủng”. Song Cụm Đồng bằng sông Dương Tử (Đồng bằng Trường Giang) là một trong ít nhất 19 dự án như trên đang được tiến hành. Ý tưởng của việc này là dùng một hệ thống đường tàu, phần lớn là tốc độ cao, để hợp nhất một cách tốt hơn các đô thị đang phát triển của Trung Quốc. Ba cụm đô thị lớn, trải dọc Châu Giang, Trường Giang và hành lang Bắc Kinh - Thiên Tân, mỗi cụm sẽ có từ 50 triệu dân trở lên.
Tòa nhà thương mại và dân cư giữa một quận của thành phố Thâm Quyến. Dù Quảng Đông là một trong các tỉnh thành công nhất Đại lục, phần nhiều sự thịnh vượng của tỉnh vẫn xoay quanh Đồng bằng Châu Giang Bloomberg
Hệ quả từ kế hoạch này mang tính biến đổi. Thứ nhất, nó tạo ra thị trường lao động lớn nhất thế giới, tiếp đà đô thị hóa quốc gia vẫn còn 40% nông thôn. Thứ nhì, động thái sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất. Tiếp theo, nó có thể giúp giải quyết vấn đề ngày càng khó xử: Nhiều thành phố lớn nhất Trung Quốc đang đạt đến giới hạn địa lý và nhân khẩu học.
“Làm dày thêm mật độ dân số ở các đô thị là cách làm không còn hiệu quả”, học giả nghiên cứu cao cấp Alain Bertaud tại Đại học New York (Mỹ), người từng làm công tác tư vấn tại Trung Quốc nhiều thập niên, cho hay. Vấn đề ở đây là các thành phố đó ngày càng rời rạc.
Nhà ở tại Thượng Hải và Bắc Kinh trở nên quá đắt đỏ, đến mức các cư dân chẳng giàu có bị đẩy đến những chỗ xa nhất của vùng ngoại ô - nơi người ta phải chờ đợi lâu chỉ để vào ga tàu điện ngầm chứ chưa lên được tàu. Kết quả là lực lượng lao động lớn không thể đến làm việc cho các bên sử dụng lao động, phần lớn làm thất bại mục đích của đô thị hóa.
Trên một con tàu ở Thượng Hải Reuters
Các cụm như trên có thể là liều thuốc giải. Về lý thuyết, toàn bộ 50 triệu người ở Cụm Đồng bằng sông Dương Tử sẽ ở trong vùng di chuyển của Thượng Hải, song họ không cần phải chen chân vào các khu dân cư quá đông đúc của đô thị này hoặc phải phụ thuộc vào các dịch vụ công cộng quá tải của nó. Dân cư vẫn nhận được lợi ích của mật độ cao, nhưng bỏ bớt được phần nào gánh nặng của nó.
Từng có một số tiền lệ cho cách tiếp cận này. Từ trước khi thuật ngữ “cụm thành phố” được biết đến, độ mở rộng không ngừng của Trung Quốc đã khiến các khu vực thành thị bắt đầu ghép lại với nhau. Đáng chú ý nhất trong số này là Đồng bằng Châu Giang, nơi Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Kông cùng một số thành phố nhỏ khác sáp nhập thành một cụm không chính thức, nổi tiếng với hoạt động sản xuất.
Dù thế, tính tự nhiên của sự phát triển đó đồng nghĩa với việc không chính quyền khu vực nào có thể giải quyết các vấn đề phát sinh: chuyện giao thông, ô nhiêm môi trường, việc cạnh tranh trợ cấp lãng phí giữa các vùng láng giềng và sự phân bổ thiếu đồng đều của dịch vụ xã hội. Giới quy hoạch đô thị Trung Quốc đang kỳ vọng các cụm thành phố mới có thể gặt hái nhiều lợi thế của cụm đô thị cũ, nhưng mang tính trật tự và hiệu quả hơn.
Bắc Kinh âm u vào ngày 1.12.2015 Bloomberg
Đây sẽ là điều không dễ có. Giao thông vận tải đặt ra thách thức đặc biệt: Đường sắt và tàu điện ngầm cao tốc có thể giúp dân cư di chuyển giữa các thành phố, nhưng hành trình từ công sở về nhà khó khăn hơn nhiều. Học giả Alain Bertaud có lưu ý rằng giới quy hoạch đô thị Đại lục đang “rất quan tâm đến ô tô tự hành”.
Một nhiệm vụ cấp thiết khác đó là giúp các chính quyền địa phương ngừng dùng việc bán đất để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ, vì làm thế thúc đẩy thêm sự mở rộng, gia tăng chi phí các công trình công cộng và dẫn đến nhiều thành phố ma, hoặc ít nhất là các khu phố ma. Đây vốn là “căn bệnh” lan rộng ở khu vực đô thị Đại lục. Giới chức mới trong khu vực cũng cần xuất hiện để quản lý các cụm đô thị trên, những vùng sẽ trải dài trên hàng ngàn km vuông, có hàng chục triệu dân sinh sống.
Tất cả những việc này là khó khăn. Song với thời gian tính bằng nhiều thập kỷ, các cụm đô thị Trung Quốc có thể trở thành động cơ kinh tế trọng yếu. Chúng cũng có thể là kiểu mẫu về cách thức nối tiếp tăng trưởng cho các thành phố trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.