Cây hoang mang về tiền tỉ

03/01/2017 06:09 GMT+7

Bình bát là cây hoang dại, mọc đầy ở mé kinh, rạch miền Tây. Trái bình bát chín cây ăn được, nhưng bán chẳng ai mua. Tuy nhiên, ghép mãng cầu vào thân bình bát chẳng những dễ trồng mà còn mang lại giá trị kinh tế lớn.

Ông Nguyễn Văn Nam năm nay 53 tuổi, quê gốc ở H.Long Hồ (Vĩnh Long), từng làm nghề lái máy cày. Do làm ăn thua lỗ, năm 1991 ông cùng vợ dắt đứa con gái duy nhất tới ấp 4, xã Tân Lập 1, H.Tân Phước, thuộc vùng Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) để làm lại từ đầu. Lúc bấy giờ vợ chồng ông nhận khoán 1,36 ha đất của Nông trường quốc doanh Tân Lập 2 để trồng khóm. Riêng ông Nam thì tiếp tục lái máy cày cho nông trường.
Sau hơn 15 năm trồng khóm, đến năm 2007 gia đình ông bị thu hồi toàn bộ đất canh tác để giao cho đối tác Trung Quốc làm khu công nghiệp Long Giang, chỉ còn lại 2.000 m2 đất để ở. “Năm 2008, một hôm tới nhà người bạn chơi, tình cờ thấy anh ta trồng mãng cầu ghép với gốc bình bát nhưng rất sai trái, ngay trên vùng đất phèn, tôi tìm mua hơn 100 gốc được người ta ghép sẵn đem về trồng thử xung quanh nhà rồi tới người quen học kinh nghiệm. Được chừng 2 năm thì những gốc mãng cầu đầu tiên bắt đầu cho trái”, ông Nam kể.
Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, năm 2010 lần đầu tiên thu nhập của gia đình ông Nam đạt trên 50 triệu đồng từ cây mãng cầu - bình bát. “Từ đó đến nay, thu nhập của gia đình tôi mỗi năm đều tăng dần lên. Ví dụ như 2 năm 2014 - 2015, mỗi năm gia đình tôi thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Trồng mãng cầu cũng không cần phải có nhiều vốn, chỉ tốn nhiều công thôi. Phải siêng năng cắt tỉa cành, tạo tán, xử lý cho ra bông và theo dõi, ngăn ngừa sâu phá hại…”, ông Nam chia sẻ.


Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với ông Nam qua số điện thoại 0907364381 để được tư vấn thêm về kinh nghiệm trồng mãng cầu ghép thân bình bát.

Hỏi xử lý cho ra bông bằng cách nào? Ông lấy bộ đồ nghề ra rồi nói: “Hừng sáng, cầm cái ly và cây cọ (dài chừng 30 cm) ra vườn, lấy phấn của bông đã rụng bỏ vào ly rồi đem quét vào bông vừa nở, gọi là thụ phấn. Mỗi cây chỉ cần thụ phấn một lần thì sẽ ra trái hết cây. Sau đó cứ chờ… hái trái đem bán mà không cần phải xử lý nữa”.
Theo ông Nam, mãng cầu không cho trái theo mùa mà có lai rai hoài, vì vậy nhà ông ngày nào cũng có trái đem bán và có thu nhập. Cụ thể là từ tháng 9 âm lịch thu hoạch suốt cho đến tháng 5 năm sau thì ngưng để dưỡng cây, bón phân. Đến khoảng tháng 7 cây sung trở lại thì tiếp tục xử lý cho ra trái và đến tháng 9 thì thu hoạch tiếp. “Đặc điểm của cây mãng cầu ghép là có thể cho trái liên tục tới hơn 30 năm. Trong vườn của tôi có nhiều cây trồng gần 10 năm vẫn còn cho trái… phà phà. Nếu trung bình mỗi cây một năm thu hoạch thấp nhất chừng 20 kg thôi, nhân với giá 30.000 đồng/kg, thì anh tính giùm tôi mỗi cây kiếm được bao nhiêu, trong khi xung quanh nhà tôi hiện có chừng 100 cây”, ông Nam nói rồi cười sảng khoái.
Về trọng lượng của trái thì cũng tùy cách xử lý. Mỗi đợt một cây có thể cho vài ba chục trái. Nếu muốn trái lớn thì cắt tỉa bớt, nhưng xu hướng của người tiêu thụ bây giờ chỉ thích loại trái từ 1 đến 1,5 kg, giá bán có thể được 50.000 đồng, trong khi đều đều mỗi ngày ông Nam bán chừng 20 trái. Tính ra mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu nhưng hiện ít người chịu khó trồng. Trong khi đặc điểm của cây bình bát là đất nào cũng chịu, có thể trồng dưới nước, cặp bờ kinh mương…
Không giấu nghề, ông Nam cho biết lâu nay đã hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều người. Tuy nhiên, một số người trồng cây bị chết do thúi rễ. Nguyên do cây giống mua về đã bị cắt rễ cái, đem trồng một thời gian thì cây chết. “Do vậy, cách hiệu quả nhất là trồng cây bình bát trước, sau đó cắt cây bình bát và ghép mãng cầu”, ông Nam “mách nước”. Cũng theo ông Nam, dù không phải tưới nước nhưng sáng nào ông cũng bỏ chừng một tiếng đồng hồ ra thăm vườn, nhìn qua các cây mãng cầu. Nếu phát hiện sâu bệnh thì xử lý ngay. “Bí quyết của tôi chỉ là… chịu khó”, ông Nam thật thà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.