Châu Á đi lên khiến người Mỹ dạt về phía tây

03/10/2016 09:57 GMT+7

Bài viết dưới đây là nhận định của Noah Smith, cây bút của chuyên mục Bloomberg View. Ông Smith còn là trợ giảng bộ môn Tài chính ở Đại học Stony Brook.

Có vẻ như muôn đời, chúng ta vẫn nghe về sự suy giảm của vùng Vành đai Gỉ sắt (các tiểu bang thuộc vùng Tây Bắc, Trung Tây Mỹ như Iowa, Kansas, Minnesota, Missouri, Nebraska, Bắc Dakota, Illinois, Indiana, Michigan, Ohio và Wisconsin) và chuyện người dân di cư đến Bờ Tây. Nhưng tại sao? Vì sao sản xuất sụt giảm ở vùng Trung Tây? Vì sao giá thuê quá cao ở bang California còn giá nhà thì tăng vọt ở Tây Bắc Thái Bình Dương (bang Oregon, Washington)? Vì sao dân Mỹ tiếp tục di chuyển chậm từ đông sang tây? Một phần của câu trả lời có thể nằm ở mô hình chuyển dịch của thương mại quốc tế.
Có rất nhiều lực lượng ở đây cùng lúc. Đó là sự ra đời của máy điều hòa không khí, thứ biến vùng Vành đai Mặt trời (khu vực băng ngang miền Tây và Tây Nam nước Mỹ, gồm các tiểu bang Arizona, California, Florida, Louisiana, Georgia, Nevada, New Mexico và Texas) thành nơi hấp dẫn hơn để sống. Tỷ lệ sở hữu ô tô và hệ thống xa lộ liên bang tạo điều kiện cho các thành phố bùng nổ ở phía tây và nam. Tự động hóa và cạnh tranh từ Trung Quốc hợp tác làm giảm ngành sản xuất của Mỹ. Nhập cư từ Mexico và châu Á bắt đầu đổ vào miền Tây và Tây Nam.
Vành đai Mặt trời Blank US Map
Song có thể còn một yếu tố khác cũng góp phần làm nên sự thay đổi.
Kinh tế học là chuyện thương mại, và thương mại thì cần tiền. Hai điểm càng xa bao nhiêu thì các doanh nghiệp càng tốn nhiều tiền để vận chuyển hàng hóa, con người đến với các công ty con, nhà cung cấp và khách hàng. Các chi phí này là lý do cơ bản giải thích vì sao hoạt động kinh tế thường co cụm trong các thành phố và khu công nghiệp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một thành phố hay vùng có thể giàu lên bằng cách giao thương với những vùng có mật độ hoạt động kinh tế dày đặc gần đó. Pháp càng giàu, Đức càng có lợi vì nước Pháp gần, vận chuyển ô tô đến Pháp dễ dàng.
Yếu tố trên có thể dẫn đến mô hình rất phức tạp của hoạt động kinh tế. Các nhà kinh tế Paul Krugman, Masahisa Fujita và Anthony Venables thể hiện điều này theo nhiều cách hồi thập niên 1990, với lý thuyết được biết đến là vị trí địa lý kinh tế mới.
Yếu tố cơ bản rút ra được từ nghiên cứu của họ: ở gần đối tác thương mại quan trọng là điều tốt. Điều này đúng trong tất cả mô hình tốt về thương mại, nhưng lý thuyết của Krugman và các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tầm quan trọng của sự gần gũi có thể có trong thời gian dài. Nhìn vào sự sụt giảm phần nào của vùng Trung Tây, Đông Bắc Mỹ và sự nổi lên của Bờ Tây, người ta không thể không tự hỏi liệu một phần lý do có phải là vì trung tâm kinh tế thế giới chuyển từ Âu sang Á hay không.
Các chuyên gia kinh tế đôi khi vẽ trọng tâm kinh tế thế giới trên bản đồ. Dưới đây là một ví dụ do ông Danny Quah thuộc Trường Kinh tế London thực hiện.
Trọng tâm kinh tế thế giới dịch chuyển theo thời gian Danny Quah
Hãy lưu ý sự thay đổi đều đặn từ nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương vào thập niên 1980 sang nền kinh tế châu Á vào giữa thiên niên kỷ. Đây hẳn nhiên chỉ là dự báo. Trung tâm hiện tại của thế giới nằm đâu đó xung quanh Iran, song sự dịch chuyển là rất lớn. Kinh tế Nhật Bản bùng nổ từ thập niên 1960 đến 1980; Đài Loan, Hàn Quốc và Đông Nam Á đi chậm hơn một chút, Trung Quốc thì mới phát triển gần đây. Sự đi lên của Đông Á nhìn chung là biến chuyển kinh tế lớn nhất thế kỷ qua. Trong khi đó, châu Âu với kinh tế trì trệ, dân số ít và tăng trưởng chậm thì vẫn còn quan trọng, nhưng sức nặng ngày càng giảm đi.
Nhiều năm qua, xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu bắt kịp với xuất khẩu của Mỹ sang châu Á. Song từ khủng hoảng năm 2008, xuất khẩu đến châu Á tăng mạnh hơn nhiều. Châu Á giờ đây là thị trường lớn hơn. Xét khía cạnh nhập khẩu, sự thật thậm chí còn trần trụi hơn khi Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với phần nhiều khu vực Đông Á.
Sự dịch chuyển trông giống như về phía đông trên bản đồ thực ra lại là sự điều chỉnh về phía tây cho Mỹ, vì nước này ở phía đối diện của thế giới. Bờ Đông có vị thế tốt để chui rèn quan hệ kinh tế với châu Âu, trong khi bang California và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương có khoảng cách đều giữa Âu và Á. Tuyến bay Los Angeles - Tokyo kéo dài khoảng 11 giờ, trong khi tuyến bay New York - Tokyo mất đến 14 giờ. Xét đường biển, con đường mà hầu hết hàng hóa được vận chuyển, thì đi từ New York đến Tokyo mất thêm 6 ngày so với đi từ Los Angeles sang thủ đô Nhật Bản.
Vì vậy có lý do để nói quan hệ kinh tế gia tăng với châu Á biến thành sự dịch chuyển trong dân số, đầu tư và tài sản từ Bờ Đông và Trung Tây về phía tây. Quá trình này đi bao xa thì phụ thuộc vào xu hướng hiện hành ở châu Âu và Đông Á. Song với cảnh tê liệt chính trị ở Liên minh châu Âu (EU), còn Trung Quốc và Đông Nam Á có nhiều tiềm năng để bắt kịp tăng trưởng, bang California, Oregon và Washington sẽ hưởng làn gió kinh tế khỏe mạnh trong những năm tới. Bờ Đông có thể được thúc đẩy nhẹ bởi hiệu ứng dịch chuyển địa lý, tập trung vào các ngành công nghiệp ít nhạy cảm với thương mại, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe. Tại một số nơi thuộc Vành đai Gỉ sắt, sự dịch chuyển đang diễn ra.
Nước Mỹ đang trong quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương sang nền kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Giới hoạch định chính sách nên làm tất cả những gì có thể để quản lý sự thay đổi này, trong đó có việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng và mật độ đô thị ở vùng phía tây vốn ngày càng quan trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.