Cơ hội mới ở thị trường Mỹ

05/12/2015 06:37 GMT+7

Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu gần 2.400 tỉ USD mỗi năm và nhu cầu liên tục gia tăng.

Mỹ là nước nhập khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu gần 2.400 tỉ USD mỗi năm và nhu cầu liên tục gia tăng. 

Găng tay cao su nhắm đến thị trường Mỹ - Ảnh: N.MinhGăng tay cao su nhắm đến thị trường Mỹ - Ảnh: N.Minh
Do đó việc tìm kiếm cơ hội để tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này là điều hầu hết các doanh nghiệp mong muốn. 
Cơ hội mới
Công ty TNHH Nam Long chuyên sản xuất găng tay cao su vừa đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất mới với vốn đầu tư 1,5 triệu USD, công suất 10 triệu đôi găng tay/năm bên cạnh 3 dây chuyền cũ với công suất 20 triệu đôi/năm. Dây chuyền mới nhắm đến mục tiêu xuất khẩu cho thị trường Mỹ kể từ đầu năm 2016.
Hiện Nam Long đã ký hợp đồng với một đối tác tại Mỹ với số lượng xuất khẩu 4 triệu đôi găng tay/năm và cam kết sẽ tiếp tục gia tăng số lượng trong thời gian tới. Khách hàng này từ trước đến nay hầu như mua hàng tại Trung Quốc và họ cho biết đang chuyển đơn hàng sang VN do thuế được giảm về 0%. “Chúng tôi đã chuẩn bị hơn một năm nay để chờ đón Hiệp định TPP chính thức được ký kết. Ngoài một số thị trường như Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước trong khu vực ASEAN mà công ty đã xuất khẩu hàng hóa từ mấy năm qua, TPP là cơ hội để công ty thâm nhập thêm thị trường mới như Mỹ, Nhật”, ông Lê Bạch Long - Giám đốc Công ty TNHH Nam Long chia sẻ. Nguồn nguyên liệu chính là mủ cao su VN cũng có sẵn trong nước nên sản phẩm luôn cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chí về xuất xứ trong khối TPP.
Trong khi đó, Công ty Trí Tín xuất khẩu sản phẩm rong nho từ năm 2014 vào thị trường Mỹ. Đây là sản phẩm được sản xuất hoàn toàn tự nhiên và công ty luôn tuân thủ quy trình chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm và đã được cấp chứng nhận HACCP.
Theo ông Lê Bền - Phó tổng giám đốc Công ty Trí Tín - hiện thị trường Mỹ chỉ mới chiếm khoảng 5 - 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty trong khi tiềm năng của thị trường này rất lớn. Vì vậy thời gian tới công ty sẽ tiếp tục quảng bá giới thiệu sản phẩm ở nhiều bang khác của Mỹ và việc giảm thuế sau khi TPP có hiệu lực sẽ là một cơ hội lớn cho công ty này vì các đối tác cũng đang quan tâm mạnh hơn. “Khi xuất khẩu vào Mỹ thì hàng rào kỹ thuật là quan trọng nhất, đặc biệt như thực phẩm thì việc đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm là hàng đầu. Trách nhiệm của chúng tôi là đảm bảo được chỉ tiêu chất lượng đó để khách hàng an tâm”, ông Lê Bền khẳng định. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết họ đang quan tâm nhiều đến việc tìm kiếm đối tác để đưa hàng vào thị trường Mỹ và khu vực Mỹ Latin. Đặc biệt khi Hiệp định TPP sắp thực hiện thì họ hy vọng cơ hội này sẽ nhiều hơn.
Rào cản thuế bán phá giá
Theo số liệu thống kê, năm 2014 kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường Mỹ đạt 30,6 tỉ USD, tăng 25% so với năm trước đó. Tuy nhiên, thị phần của VN chỉ mới chiếm khoảng 1% so với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Còn tại các nước Mỹ Latin, VN có quan hệ buôn bán với tất cả 33 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sang khu vực này đạt 4,71 tỉ USD, tăng 36,8% so với năm 2013 (trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực này đạt hơn 1.000 tỉ USD).
Nhưng để tăng được kim ngạch xuất khẩu của VN không phải dễ. Theo ông Nguyễn Duy Khiên - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) - Mỹ có hệ thống luật lệ phức tạp cùng với nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật, đặc biệt yêu cầu cao về bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp VN không có thương hiệu và chỉ gia công là chủ yếu. Khi xuất khẩu vào thị trường này, ngoài việc phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mạnh khác thì bản thân các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh sản xuất và xuất khẩu với các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại VN quyết liệt hơn khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ.
Tương tự như vậy, xu thế bảo hộ đang gia tăng tại một số thị trường chính trong khu vực này như Mexico, Brazil, Argentina... nên những hàng rào kỹ thuật ngày càng được áp dụng nhiều hơn.
Điều quan trọng là các doanh nghiệp nên tìm cách chuyển hướng xuất khẩu sang những sản phẩm không bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đầu tư sản xuất ngay tại những nước không bị áp thuế này. Đồng thời tăng cường xuất khẩu sang thị trường các nước châu Mỹ Latin và các nước thành viên TPP...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.