Đại biểu Quốc hội 'mổ xẻ' nhà băng 0 đồng

28/10/2015 08:00 GMT+7

Dưới góc nhìn của các nhà làm luật và đại biểu Quốc hội tại hội thảo Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức chiều tối 26.10, sự ra đời của ngân hàng 0 đồng không cần “đao to búa lớn”, bởi nếu luật đã cho phép thì phải mua lại, chứ không thể cho phá sản.

Dưới góc nhìn của các nhà làm luật và đại biểu Quốc hội tại hội thảo Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức chiều tối 26.10, sự ra đời của ngân hàng 0 đồng không cần “đao to búa lớn”, bởi nếu luật đã cho phép thì phải mua lại, chứ không thể cho phá sản.

OceanBank đã được mua lại 0 đồng và đang tái cơ cấu thành công - Ảnh: Ngọc ThắngOceanBank đã được mua lại 0 đồng và đang tái cơ cấu thành công - Ảnh: Ngọc Thắng
Mua để bảo vệ người gửi tiền, để cắt bỏ sở hữu chéo, sân sau; trả lại sự lành mạnh, an toàn cho hệ thống.
0 đồng, không vi hiến
Câu chuyện ngân hàng (NH) 0 đồng một lần nữa lại nóng lên khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu dẫn một số ý kiến trong báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội đề nghị phải công khai và minh bạch cơ chế và chính sách để dư luận đạt được sự đồng thuận cao. Các nhà băng yếu kém này (NH Xây dựng, Dầu khí toàn cầu và Đại Dương) từ trước năm 2010, theo ông Giàu là hệ quả của thời cấp phép ồ ạt, “nở rộ”.
Đồng quan điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng yêu cầu, vấn đề gì minh bạch được rất nên minh bạch để rộng đường dư luận. Theo bà Nga, điều 149 luật Các tổ chức tín dụng đã quy định NHNN có quyền trực tiếp hoặc chỉ định các NH khác mua cổ phần của tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Tại luật NHNN cũng đã trao thẩm quyền cho phép NHNN được áp dụng các biện pháp xử lý đối với các NH đứng trước nguy cơ đổ bể. Các quyết định của Thủ tướng hay Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 2011 - 2015 cũng cho phép NHNN được thực thi nghiệp vụ mua lại. “Có nhiều ý kiến lo ngại, băn khoăn nhưng việc mua lại NH 0 đồng từ thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong hệ thống pháp luật rồi”, bà Nga khẳng định.
Tại sao mua với giá 0 đồng? TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) - bình luận: “Đối với việc mua lại VNCB, Oceanbank, GPBank, NHNN đều thuê kiểm toán quốc tế định giá. Kết quả định giá cho thấy, tài sản các NH đó âm hết vốn, tức giá trị cổ phiếu không còn gì. Trong trường hợp các NH đã mất hết vốn chủ sở hữu thì việc NHNN mua lại với giá 0 đồng là hợp lý. Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa”.
Bảo vệ người gửi tiền
Ông Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng mục đích của việc mua lại các NH thương mại 0 đồng là nhằm bảo vệ người gửi tiền. Sau khi mua, NHNN đã có phương án tái cơ cấu và nợ xấu từng bước được xử lý, từ đó trả được nợ, chứ NHNN không bỏ tiền ra mua. “Điều đó cũng có nghĩa, NHNN bảo lãnh cho các NH bị mua lại 0 đồng không bị phá sản và để cho nó phục hồi. Với uy tín của NHNN thì các NH đó sẽ tiếp tục vận hành, tiếp tục hoạt động để tạo ra thuận lợi. Trên thế giới rất nhiều NH đã làm như vậy”, ông Lịch đánh giá.
Đặt giả thiết xấu nhất: các NH này không phục hồi được và phá sản thì NHNN sẽ xử lý như thế nào? TS Lê Xuân Nghĩa dí dỏm: “Chính phủ đã khẳng định không để NH phá sản ở giai đoạn này. Nhưng kể cả có cho đi nữa thì với sức mạnh về tiền và cơ chế cho vay, tái cấp vốn thì NHNN cũng không bao giờ để cho các NH họ mua về bị phá sản. Mẹ mạnh như vậy thì làm sao con phá sản được”.
Bà Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, không cho phá sản mục đích lớn nhất là để bảo vệ người gửi tiền, cũng như sự an toàn của cả hệ thống. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, bà Nga cũng khuyến nghị chỉ nên coi đây là giải pháp tạm thời, trước mắt. “IMF cũng đánh giá giải pháp này rất tốt, nhưng mua lại bắt buộc chỉ nên là bước đi đầu tiên, cần tiến tới áp dụng chuẩn mực của pháp luật quốc tế cần thiết cho phá sản để đảm bảo công bằng, bỏ ỷ thế làm liều của một số nhà băng”, bà Nga đề xuất.
Chia sẻ các quan điểm trên, TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội - đánh giá Vietcombank đã vào tái cơ cấu VNCB rất tốt, cũng như VietinBank trợ giúp OceanBank, GPBank... “Có thể thấy, số lượng NH giảm nhưng niềm tin của người dân vào chính sách của NHNN ngày càng được củng cố và nâng cao. Vì vậy, dù có tới 3 NH bị mua lại với giá 0 đồng, nhưng đã không diễn ra hiện tượng người dân rút tiền ồ ạt. Nay các NH đã hồi phục trở lại, thanh khoản ổn định”, TS Ngân nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.