Đầu tư vào đâu ?

03/11/2014 09:00 GMT+7

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm tài khóa 2014, thông thường đây là thời điểm nhà đầu tư "chốt" phiên cuối để có báo cáo tài chính đẹp. Nhưng với người có tiền lúc này, bỏ vốn vào đâu để kiếm lời "ăn tết" cũng không hề đơn giản.

Nhiều người vẫn gửi tiền vào ngân hàng dù lãi suất thấp - Ảnh: D.Đ.M

Nơi cần vốn lớn, chỗ nhiều rủi ro

 

“Mọi chuyện đều có thể xảy ra”

Theo ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), vàng giảm giá mất 2,5% chỉ qua một phiên trong tuần qua nên có thể sẽ có điều chỉnh tăng nhẹ trở lại trong ngắn hạn. Trường hợp vàng thế giới thủng mức 1.120 USD/ounce thì có thể sẽ còn giảm sâu hơn. Nhưng nếu Mỹ tăng lãi suất, giá vàng sẽ xuyên mức 1.100 USD/ounce. "Các nhà sản xuất vàng thế giới cho rằng, giá vàng khó có thể giảm giá xuống dưới 1.000 USD/ounce vì đây là giá thành sản xuất vàng. Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra, vàng vừa là hàng hóa vừa là tiền tệ nên NĐT có thể bán dưới giá trị của nó, điều này đã xảy ra vào năm 1999. Do đó nếu có ý định mua vàng thì nên chọn sản phẩm khác như nữ trang, vàng nhẫn có mức giá tiệm cận với giá vàng thế giới hơn. Bởi giá vàng miếng hiện nay đang bỏ xa giá vàng thế giới 5,4 triệu đồng/lượng nên nếu mua vào với giá hiện tại người mua sẽ đối diện với rủi ro rất lớn khi giá vàng thế giới tiếp tục giảm hoặc chỉ tăng nhẹ”, ông Hải phân tích.

Dẫn đầu trong các kênh đầu tư về thanh khoản, sóng... từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán (CK) VN-Index đã tăng được 19%, gần bằng mức tăng so với cả năm 2013.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, CK vẫn có mức sinh lời cao nhất. Việc lãi suất tiết kiệm giảm đang khiến các nhà đầu tư (NĐT) kỳ vọng thị trường này sẽ đón thêm dòng vốn mới từ hệ thống tín dụng chảy sang. Tuy vậy, CK không "ngon ăn" như bề nổi vì đây vẫn là thị trường có độ rủi ro cao, chỉ phù hợp cho những người đã có kinh nghiệm. Thị trường này cũng đặc biệt nhạy cảm với các thông tin từ vi mô tới vĩ mô. Những thông tin về lãi suất, cổ phần hóa, những đánh giá tiêu cực hay tích cực từ các tổ chức trong nước, nước ngoài đều có thể tạo ra những cơn địa chấn cho CK. Vì vậy, không cẩn thận, NĐT rất dễ bị "sập sóng". Đó là lý do không ít người lo ngại "kiếm lời ăn tết không khéo lại mất tết".

Thị trường bất động sản (BĐS) thời điểm này đang được đánh giá khá hấp dẫn về giá cả, lại "ăn theo" nhiều công trình hạ tầng cơ sở đã được hoàn thành trong mấy năm vừa rồi. Đặc biệt, cả chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng đều hỗ trợ hết mình cho các dự án về lãi suất vay mua nhà. Nhưng nguồn cung dồi dào trong khi cầu chưa thực sự hồi phục, nhất là tình trạng mất uy tín về chất lượng, tiến độ của không ít chủ đầu tư gây ra tâm lý chưa vội vàng mua vào ở không ít NĐT.

Điểm yếu của thị trường này là cần nguồn vốn lớn. Nếu có trả theo tiến độ thì cũng phải là những người có thu nhập ổn định, cao thì mới dám tham gia. “Đối với những NĐT có nhiều tiền thì cơ hội ở CK hay BĐS đều luôn luôn có. Ví dụ với số đông thì BĐS khó tăng giá nhưng có những vị trí tốt vẫn lời cao. Tương tự trên thị trường CK, có những NĐT lời nhiều nhưng có người thua lỗ liên tục. Đây là cơ hội cho những người biết quyết đoán và dám chọn lựa hướng đi cho riêng mình”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nói.

Tương tự, theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - độ rủi ro của CK cực kỳ lớn nên nếu không am hiểu thì tuyệt đối không nên bỏ tiền vào kênh này vì khả năng lỗ lớn dễ xảy ra. Còn đối với kênh BĐS, nếu đầu tư chờ giá lên để hưởng chênh lệch thì thời điểm này chưa phù hợp. Nhà nước đang có chủ trương đẩy mạnh tăng cung nhà ở xã hội và một số dự án thương mại chuyển sang phân khúc này vẫn có giá cao do chi phí xây dựng cao. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nguồn cung nhà ở với giá tốt hơn và khi đó mới là cơ hội sở hữu cho nhiều người.

Chọn tiết kiệm để "chờ thời"

Từ vị trí đầu bảng ở mấy năm trước, vàng và tiết kiệm đang "đội sổ" về độ hấp dẫn trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư.

Chị Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa mới đáo hạn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng vì "lãi suất quá thấp". Chị cho biết trước đây tiền lãi nhận được gần 5 triệu đồng/tháng sau đó giảm dần, giảm dần và đến lúc này chị chỉ còn nhận được khoảng 2 triệu đồng/tháng cho số tiền nửa tỉ đồng. Với mức lãi suất mới được các ngân hàng công bố thì chắc chắn số tiền lãi của chị sẽ còn giảm nữa. Nhưng đáo hạn rồi làm gì với số tiền này lại là cả một vấn đề không hề đơn giản với chị Ngân và nhiều người khác. "Giá vàng đang ở mức 35,4 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng thế giới cuối tuần qua giảm mạnh 33 USD/ounce, còn 1.172 USD/ounce nên xu hướng giảm vẫn đang tiếp tục. Nhưng rủi ro nhất là giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới hơn 5 triệu đồng/lượng, không cẩn trọng lỗ lớn", chị Ngân phân vân. Tính tới, tính lui, chị Ngân đành để tiền trong ngân hàng "chờ thêm chút rồi tính sau chứ giờ không biết làm gì", chị này nói.

TS Lê Đạt Chí cho rằng dù lãi suất có xu hướng giảm nhưng gửi tiền vào ngân hàng vẫn là lựa chọn của nhiều người vì an toàn và để chờ đợi các cơ hội đầu tư khác. “Ở thời điểm hiện tại không nên nắm giữ vàng vì kim loại quý này đang ở trong xu hướng giảm rất sâu và có thể về dưới mức 1.000 USD/ounce. Lý do là Mỹ đang nới lỏng chính sách tiền tệ khiến đồng USD tăng giá nên giá vàng đi xuống. Nhiều quốc gia châu Âu cũng có chính sách tiền tệ tương tự nên càng không thể hỗ trợ cho giá vàng ở thời điểm hiện tại”, ông Chí phân tích.

Nói như chị Ngân, có tiền lúc này “quả là khổ” vì không biết đầu tư vào đâu mà bỏ không thì sốt ruột.

Mai Phương - Thanh Xuân

>> Bất động sản, vàng, chứng khoán... đầu tư vào đâu ?
>> Tiền từ đâu, đầu tư vào đâu ?
>> Đầu tư vào đâu?
>> Nên đầu tư vào dầu khí, hàng tiêu dùng, y tế, tài chính
>> Đầu tư vào đâu, như thế nào để hạn chế rủi ro?
>> Năm nay, đầu tư vào đâu để sinh lợi?
>> Có tiền nên đầu tư vào đâu?
>> Vốn trong dân đầu tư vào đâu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.