Doanh nghiệp vẫn khổ vì kiểm tra chuyên ngành

21/06/2017 06:24 GMT+7

Ngày 20.6, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức hội thảo 'Thực thi Nghị quyết 19: Cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm' với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty thép Khương Mai, cho hay mỗi năm chỉ riêng TP.HCM nhập khẩu 3 - 4 triệu tấn thép các loại, chi phí kiểm tra chuyên ngành hiện nay làm đội giá thành thêm khoảng 20 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết nguyên tắc một cửa chưa được thực hiện đúng. Doanh nghiệp trong ngành phải chịu sự quản lý và thủ tục hành chính từ hơn 1 cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều mặt hàng đang chịu sự kiểm tra chồng chéo, gây lãng phí cho cả doanh nghiệp và nhà nước.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” của VN chưa được cải thiện do vướng mắc về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.
Theo ông Phạm Thanh Bình (USAID), diện hàng hóa phải kiểm tra chất lượng quá rộng. Thủ tục quá nhiều bước, nhiều cửa, nhiều giấy tờ, đặc biệt là tốn nhiều chi phí trong đó có chi phí “bôi trơn”.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhận xét: GDP của VN khoảng 200 tỉ USD/năm, trong đó chi phí cho khâu logistics chiếm đến 20%, tương đương 40 tỉ USD/năm. Chỉ cần giảm một điểm phần trăm của khâu này cũng đã tiết kiệm được 4 tỉ USD/năm, hoặc chỉ cần giảm thời gian thông quan một ngày sẽ tiết kiệm được 800 triệu USD/năm.
Cũng theo TS Cung, từ năm 2015, Chính phủ đã cam kết với doanh nghiệp giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành xuống, tuy nhiên con số hiện nay vẫn là 30%. Vì vậy, Chính phủ nên nhanh chóng giảm xuống còn 15%. "Phải giảm xuống để giảm chi thường xuyên, một phần tiền chúng ta đi vay cũng để phục vụ cho khâu này", ông Cung kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.