Dự trữ ngoại hối tăng mạnh

17/06/2011 22:43 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc NHNN tái khẳng định năm nay Chính phủ kiên trì mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khó có chuyện chính sách được nới lỏng.

Mặc dù cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ để góp phần giảm lãi suất, gỡ khó cho các DN khi lạm phát hạ nhiệt, nhưng trao đổi với báo chí, ngày 17.6, người đứng đầu NHNN cũng tái khẳng định năm nay Chính phủ kiên trì mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, khó có chuyện chính sách được nới lỏng như năm ngoái.

 

Giao dịch ngoại hối thường xuyên được NHNN kiểm tra chặt chẽ - Ảnh: Ngọc Thắng 

Thời gian tới NHNN sẽ có giải pháp gì để hạ nhiệt lãi suất, gỡ khó cho các DN, thưa thống đốc?

Thời gian tới, khi lạm phát giảm, NHNN sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ để tác động, kết hợp cùng với giải pháp khác về hành chính để giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn chung này, DN cần chia sẻ chấp nhận giảm lợi nhuận, cơ cấu lại quản trị, tiết kiệm chi phí đầu vào, giảm gánh nặng cho chi phí tài chính, trong đó có lãi vay.

NHNN yêu cầu các NH thương mại phải giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất xuống còn 22% so với tổng dư nợ trong tháng này, các NH đã thực hiện như thế nào, thưa thống đốc?

Tính đến ngày 10.6, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 7,05% (so cuối năm 2010), so với chỉ tiêu kiểm soát dưới 20% là hợp lý. Trong đó, dư nợ lĩnh vực sản xuất tăng 10,97%, chiếm tỷ trọng 83% tổng dư nợ. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 24,96% và xuất khẩu tăng cao 25,77%. Do dư nợ sản xuất tăng nên khu vực phi sản xuất giảm, đến cuối 2010 là 18,87% thì đến nay giảm 9,46%, chiếm 16,92% tổng dư nợ.

 

Ông Nguyễn Văn Giàu 

Liệu các tổ chức tín dụng (TCTD) có điều chỉnh được cơ cấu dư nợ theo chỉ đạo của NHNN không?

Đến cuối tháng 5, theo thống kê của NHNN còn 18 ngân hàng có dư nợ cho vay phi sản xuất trên 22%, trong đó có 9 NH trên 30%. Nhìn vào dư nợ đến cuối tháng 5, chắc chắn có NH không đạt được chỉ tiêu tới ngày 30.6 giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất phải dưới 22%, nhưng con số này không nhiều.

Nếu trong trường hợp không đạt được sẽ xử lý thế nào, thưa thống đốc?

Trường hợp TCTD chưa thực hiện được tỷ trọng này, theo Chỉ thị 01, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với TCTD và hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Một số chuyên gia cho rằng NHNN điều hành chính sách hơi sốc, đột biến?

Trong vòng 4 tháng giảm như thế thì không có gì là sốc, bởi trước đó tất cả các văn bản chỉ đạo từ 2009-2010 đã khuyến cáo ngay từ đầu năm phải quản lý chặt chẽ tín dụng phi sản xuất. Hiện khu vực này đang chiếm 16,92%, nếu so với cơ cấu các nước trên thế giới thì không hề lớn. Riêng lĩnh vực bất động sản, nhiều NH đã được cảnh báo nhưng chưa thực hiện tốt, có NH tới thời điểm chúng tôi lập danh sách (2.2011), dư nợ cho vay bất động sản chiếm tới 59% tổng dư nợ cho vay phi sản xuất. Rõ ràng đến giờ phải gặp khó khăn.

NHNN đang tích cực mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối, xin thống đốc cho biết thêm về vấn đề này?

 Dự trữ ngoại tệ trong mấy năm qua gặp khó khăn khi cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt. Năm 2009 thâm hụt 8,8 tỉ USD, năm 2010 giảm còn khoảng 3 tỉ USD, đây là hậu quả của nhập siêu cao. Tuy nhiên, năm nay NHNN dự báo thặng dư cán cân tổng thể khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, từ chủ trương của Nghị quyết 11, NHNN ban hành một loạt các chính sách như dừng cho vay bằng vàng, cho huy động bằng vàng kéo dài tới 1.5.2012, chỉ cho vay ngoại tệ USD một số đối tượng, thu hẹp lại so với trước, tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc ngoại tệ… đã tạo được quan hệ cung cầu mới, giúp vừa ổn định được thị trường ngoại tệ, vừa tăng dự trữ ngoại hối khá lớn. Khá lớn ở đây thể hiện ở chỗ, chưa bao giờ tốc độ tăng dự trữ ngoại tệ nhanh, nhiều và lớn như 2 tháng qua.

Nhiều chuyên gia lo ngại NHNN tăng mua dự trữ ngoại hối hàng tỉ USD có thể gây ra lạm phát khi phải cung ứng lượng tiền đồng tương ứng hàng chục nghìn tỉ đồng ra thị trường?

Một số diễn giả nói rằng NHNN mua 3-4 tỉ USD thì phải đưa ra 70-80 nghìn tỉ đồng, chắc chắn với độ trễ chính sách có thể từ 3-5 tháng sau sẽ gây ra lạm phát, nhưng hoàn toàn không đúng. NHNN thường xuyên kiểm soát chặt chẽ luồng tiền vào - ra hệ thống, thường xuyên sử dụng các công cụ như: tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều tiết hằng ngày trên thị trường mở một cách hợp lý... Khi chúng tôi mua vào một lượng bao nhiêu triệu USD sẽ dùng các công cụ trên để hút về tương ứng, chắc chắn không có chuyện để lại hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế. 

Cho vay và huy động USD vẫn ở mức cao

Theo báo cáo của NHNN, tính đến 10.6, tăng trưởng tín dụng hệ thống NH đạt 7,05% so với cuối năm 2010, huy động vốn chỉ tăng 2,37%. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng VND khá thấp (tăng 2,72%), trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng tới 22,21%; tín dụng ngắn hạn tăng 6,17%, tín dụng trung dài hạn tăng 7,66%. Về cơ cấu, dư nợ tín dụng lĩnh vực sản xuất đã tăng 10,97%, chiếm tỷ trọng 83% tổng dư nợ; trong đó tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 24,96%, tín dụng xuất khẩu tăng 25,77%; dư nợ lĩnh vực phi sản xuất giảm 9,46%, chiếm tỷ trọng 16,92% tổng dư nợ.

Huy động vốn bằng VND tiếp tục dương nhưng vẫn thấp, chỉ tăng 1,15%, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8,89%. Tính tới 10.6, tổng phương tiện thanh toán vẫn tăng chậm và ở mức rất thấp so với chỉ tiêu năm nay, tăng 2,33% so với dự kiến 15% - 16%.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.