Hạn chế thấp nhất những biến tướng

25/08/2017 09:09 GMT+7

Việc Chính phủ chính thức phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử là hết sức cần thiết và đúng đắn.

Chưa bàn tới chuyện "quản lý" là công nhận, không công nhận, hay công nhận tiền ảo ở mức nào, nhưng tiền ảo và các vấn đề liên quan đến đồng tiền này đã đến lúc không thể buông lỏng. Nói không thể bởi xét cả về số lượng và tác động của tiền ảo với đời sống xã hội ngày càng sâu rộng.
Đầu tiên về số lượng, hiện đã có tới hơn 800 đồng tiền ảo các loại được giới thiệu, đầu tư và nhiều đồng trong số đó xâm nhập, thịnh hành ở VN, chưa kể những biến tướng của nó. Xét về tác động thì còn kinh khủng hơn. Trong mấy năm qua, việc các sàn tiền ảo đa cấp lôi kéo, lừa đảo người dân bị đánh sập không ít với giá trị hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Cũng từ đây, nảy sinh rất nhiều vấn đề xã hội.
Không chỉ là "đào" tiền ảo, đầu tư vào một đồng tiền ảo nào đó chờ tăng giá kiếm lời mà giờ đây, các mô hình đa cấp kinh doanh tiền ảo được mở ra từ thành thị đến nông thôn, lôi kéo, dụ dỗ bao nhiêu người từ trẻ cho tới về hưu dốc tiền vào đây, kéo theo các bi kịch. Nhiều người trở thành "tội đồ bất đắc dĩ" khi lôi kéo gia đình, họ hàng, bạn bè, lối xóm đầu tư vào tiền ảo rồi mất trắng; những cặp vợ chồng lục đục vì bỗng một ngày phát hiện ra nửa kia của mình mang hết tiền tiết kiệm đổ vào tiền ảo để rồi mất tiền thật; những người bỏ cả công việc với mức lương cao để chuyển sang cày tiền ảo cả ngày lẫn đêm...
Cứ mỗi lần sập sàn, mỗi lần xuất hiện một đồng tiền ảo mới, những hội thảo công khai để quảng bá, dụ dỗ người dân tham gia tiền ảo... thì cơ quan quản lý chỉ phát đi một thông điệp "tiền ảo không được công nhận nên không được pháp luật bảo vệ". Điều đó ai cũng biết. Thực tế cũng chẳng mấy ai đi tố cáo, khiếu kiện khi bị mất vì đầu tư tiền ảo, nhưng những hệ lụy xã hội, những lục đục gia đình, lừa đảo, mất tiền tập thể... là có thật. Nhìn xa hơn, tiền nhàn rỗi trong dân chúng đổ vào cái lỗ ảo này ngày càng nhiều cũng có nghĩa là nguồn lực chảy sang chỗ khác ít đi. Và khi phát sinh các vấn đề xã hội tiêu cực từ tiền ảo thì nhà nước vẫn phải bỏ sức người, sức của đi giải quyết...
Nói thế để thấy, dù công nhận hay không công nhận thì việc quản lý tiền ảo là điều hết sức cần thiết. Pháp luật không thừa nhận tiền ảo nhưng phải bảo vệ sự yên bình của mỗi làng quê, mỗi người dân, mỗi gia đình và cả xã hội trước các hiện tượng, trào lưu, nhất là trào lưu đầu tư vào tiền ảo ngày càng lan rộng. Và cách bảo vệ tốt nhất chính là quản lý nó để hạn chế thấp nhất những biến tướng của mô hình đầu tư này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.