Khôi phục nguồn lợi cá đồng U Minh Thượng

04/01/2017 15:26 GMT+7

Việc khai thác, đánh bắt quá mức cộng với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã làm cho nguồn lợi cá đồng vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) ngày càng suy giảm.

Do đó, việc khôi phục nguồn lợi cá đồng đang là một vấn đề bức thiết.
Đảm bảo nguồn giống
Những năm qua, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã bắt tay vào việc phục hồi, phát triển cá đồng U Minh Thượng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, con cá trê vàng được Trạm Khuyến nông H.U Minh Thượng ưu tiên nhân giống từ cá bố mẹ thuần chủng cho ra những lứa cá con có kích thước khá đồng đều, sạch bệnh bước đầu đáp ứng tốt nhu cầu thả nuôi trong ao vườn hoặc mương ruộng cho người dân địa phương. Do cá trê vàng được nhân ra từ giống bản địa nên thích ứng cao với nguồn nước, nhiệt độ, thổ nhưỡng tại địa phương, cá phát triển rất nhanh, ít bị hao hụt.
Ông Nguyễn Văn Sương (ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) cho biết trước đây ông nuôi cá chim trắng và cá trôi nhưng không hiệu quả. Khi được Trung tâm Khuyến nông huyện hướng dẫn đã chuyển sang nuôi cá sặc rằn và cá trê vàng nên hiệu quả kinh tế khá cao. Theo ông Sương, nếu cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp thì sau 3 tháng có thể cho thu hoạch đạt từ 300 - 400 gr/con.
Bên cạnh cá trê vàng, Trạm Khuyến nông H.U Minh Thượng còn nhân giống cá đồng bản địa khác như: sặc rằn, rô, lóc để cung cấp cho người dân với quy mô khoảng 2 tấn/năm. Ngoài ra, cán bộ khuyến nông huyện cũng thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho các loại cá đồng.
Theo ông Châu Ngọc Sơn, cán bộ Trạm Khuyến nông H.U Minh Thượng, sắp tới đơn vị sẽ xây dựng quy trình sản xuất mới đối với sản phẩm cá trê vàng; tiến hành đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cá trê vàng U Minh Thượng nhằm bảo đảm đầu ra, giúp bà con an tâm đầu tư thả nuôi.
Cơ hội phát triển
Do giá bán các loại cá đồng luôn ổn định ở mức cao, ít bị dịch bệnh nên nhiều nông dân tại U Minh Thượng chọn con cá đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ông Lâm Phến (ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) cho biết giá cá đồng bán ra thị trường bao giờ cũng cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cá nuôi khác. Chẳng hạn, giá cá chim trắng chỉ khoảng 10.000 đồng/kg thì giá cá trê vàng lên đến 100.000 đồng/kg. Do vậy, gia đình ông cũng như nhiều người dân địa phương đã tận dụng ao đìa để thả nuôi cá đồng, nhiều nhất là cá trê vàng và sặc rằn.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân H.U Minh Thượng, toàn huyện có 4.020 ha mặt nước được người dân thả nuôi các loại cá đồng như cá trê, rô, lóc… vì đây là những loài cá đặc sản nên dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, do chủ yếu người dân thả nuôi theo dạng tự nhiên trong ao đìa nên sản lượng không nhiều. Vì vậy, việc nhân giống, phục hồi cá đồng, trước mắt là cá trê vàng và sặc rằn đang cho hiệu quả khá.
Theo ông Hiền, từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2011 đến nay, khô cá sặc rằn U Minh Thượng đã có mặt khắp cả nước. Thế nhưng, hiện trên địa bàn huyện chỉ còn 29 hộ nuôi cá sặc rằn (tương đương với 29 ha mặt nước), chủ yếu ở 2 xã nằm trong vùng đệm là An Minh Bắc và Minh Thuận. Sở dĩ diện tích nuôi không tăng là do người dân vẫn còn do dự bởi lợi nhuận từ con cá đồng chưa thật sự cao hơn so với các loại cây trồng, vật nuôi khác.
“Tới đây, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Trạm Khuyến nông nhân giống các loại cá rô, lóc, thác lác, nhất là cá sặc rằn để cung cấp cho người dân thả nuôi nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn cung khô cá sặc rằn U Minh Thượng cho thị trường và giúp người dân thoát nghèo”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.