Không có vùng riêng trong cắt bỏ điều kiện kinh doanh

14/10/2017 07:52 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh hôm qua khẳng định như vậy, trong buổi làm việc với ban soạn thảo nghị định sửa đổi nhiều nghị định...

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh hôm qua khẳng định như vậy, trong buổi làm việc với ban soạn thảo nghị định sửa đổi nhiều nghị định để cụ thể hóa lộ trình cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh đã công bố vào cuối tháng trước.
Ủng hộ tinh thần cải cách của Bộ Công thương khi công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của nhiều ngành, từ thuốc lá, khí, thực phẩm..., song ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng không gian cải cách vẫn còn dư địa lớn. “Như trong ngành xăng dầu, vẫn còn nhiều quy định điều kiện không gắn mục tiêu cụ thể nào. Ví dụ như đại lý xăng dầu phải có xe mình sở hữu hoặc thuê xe trong vòng 5 năm mới được cấp phép”, ông Vinh dẫn chứng và đặt vấn đề: “Nếu thay vì 5 năm, chỉ quy định có xe thuê hay sở hữu trong vòng 6 tháng, 1 năm thì ảnh hưởng thế nào, tác hại ra sao với người tiêu dùng hay cơ quan quản lý?”.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng nhận xét về việc còn bất cập trong loại bỏ thủ tục. Ví dụ, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vẫn còn quy định rất rõ quy mô cơ sở vật chất, không như nghị định về kinh doanh khí đã cắt bỏ gần hết. Vậy, Bộ Công thương lập luận thế nào về lý do duy trì các điều kiện trong Nghị định 83? Tương tự, đại diện VCCI cũng nhận xét các điều kiện của ngành xăng dầu, khí, rượu, thuốc lá được thiết kế tương đối giống nhau, trong khi các ngành đó đều có đột phá trong cắt bỏ, nhất là điều kiện với thương nhân phân phối, thì thương nhân phân phối xăng dầu vẫn giữ nguyên là không đồng nhất.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định các điều kiện kinh doanh xăng dầu được xem xét riêng khi sửa Nghị định 83 chứ không phải không cắt. Ông nhấn mạnh: “Sẽ không có vùng cấm, vùng riêng trong loại bỏ điều kiện kinh doanh ngành công thương. Việc cắt bỏ cũng có thể ít hơn nhưng cũng có thể nhiều hơn con số 675 đã công bố, trên cơ sở quan trọng nhất là xem lại bản chất ngành nào cần đưa vào kinh doanh có điều kiện, ngành nào cần bỏ”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết quan điểm cá nhân ông là với thương nhân bán lẻ ngành xăng dầu thì không cần phải cấp phép mà có thể hậu kiểm và đóng cửa đại lý, cửa hàng một khi bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn đã công bố. Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ KH-CN, vấn đề là hiện nay có quá nhiều quy định mang tính định tính mà không có định lượng. Do vậy, ngay cả khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì cũng rất khó cho doanh nghiệp bởi quá phụ thuộc vào cảm quan của cán bộ kiểm tra. Theo vị này, cùng với việc rà soát các điều kiện thì cũng cần chỉnh sửa, bổ sung để các điều kiện kinh doanh vẫn giữ lại phải có định lượng cụ thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.