Khủng hoảng Qatar xảy ra không đúng thời điểm đối với nước Anh

14/06/2017 10:03 GMT+7

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh xảy ra vào thời điểm này dường như càng làm dày thêm 'màn sương u ám' cho nền kinh tế của xứ sở sương mù.

Với hệ thống chính trị đang bế tắc về vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và một quốc hội treo sau kỳ bầu cử, Anh đang cần các đối tác thương mại cũng như sự đầu tư ổn định ở bên ngoài châu Âu nhằm giữ cho dòng chảy của nguồn tài trợ nước ngoài được liên tục để hỗ trợ cho nền kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, theo Business Insider, việc các nước láng giềng vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa không phận, phong tỏa các tuyến đường hàng hải không chỉ làm suy giảm đáng kể sự kết nối của Qatar với phần còn lại của thế giới, mà còn gián tiếp làm đau đầu nền kinh tế của Anh cả về thương mại, đầu tư và năng lượng.
Thương mại
Sự rạn nứt ngoại giao giữa các nước láng giềng trong thế giới Ả rập đã khiến Anh rơi vào vị thế không mấy thoải mái, vì Qatar là đối tác quan trọng của Anh trên thị trường thương mại quốc tế hậu Brexit. Tháng 3.2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã ký một biên bản ghi nhớ để “làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp hai nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng”, bao gồm giáo dục, y tế, khoa học, du lịch, vận tải, năng lượng và dịch vụ tài chính. Qatar cũng cam kết sẽ đầu tư thêm khoảng 6 tỉ USD vào Anh để nâng cao mức đầu tư trị giá hơn 44 tỉ USD trước đó.
Theo thống kê của chính phủ Anh, Qatar là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Anh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, với mức xuất khẩu hàng hóa đã tăng từ 1,6 tỉ USD trong năm 2013 lên 2,7 tỉ USD vào năm 2016. Các mặt hàng xuất khẩu khá đa dạng, bao gồm máy móc thiết bị công nghiệp, hàng xa xỉ phẩm, thực phẩm. Do đó, bất kỳ cuộc phong tỏa nào cũng có thể khiến tinh thần và niềm tin của các doanh nghiệp xuất khẩu tại Anh bị suy giảm.
Song, không riêng gì Qatar, các nước láng giềng vùng Vịnh khác cũng đều là những đồng minh chính của quốc gia châu Âu. Vì vậy, nước Anh sẽ phải thể hiện sự cân bằng. Tuy nhiên, tình trạng chia rẽ giữa hai bên chiến tuyến dường như đã sâu sắc hơn rất nhiều, đặc biệt khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mới đây đã ra lệnh cấm người dân thể hiện sự thông cảm với Qatar. Bất cứ ai trong nước bày tỏ sự tiếc nuối đều có thể bị giam 15 năm tù và phạt tối thiểu 500.000 dirham, tương đương khoảng 136.115 USD.
Đầu tư
Vì Qatar là nhà đầu tư lớn của Anh, nên một trong những mối quan tâm chính của nước này là khả năng Qatar sẽ cần phải thanh lý một phần hoặc toàn bộ tài sản ở quốc gia châu Âu để hỗ trợ đồng riyal và duy trì nền kinh tế trong nước, khi xung đột ngoại giao với các nước láng giềng leo thang. Hầu hết tài sản của Qatar ở Anh là bất động sản, bao gồm 95% cổ phần tại Shard, tòa nhà chọc trời cao nhất châu Âu. Các nhà đầu tư Qatar đã mua Làng Olympic sau khi Olympic London 2012 diễn ra. Ngoài bất động sản, Qatar cũng là cổ đông lớn nhất đã bơm vốn vào Barclays để cứu ngân hàng này khỏi các gói cứu trợ của chính phủ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Năng lượng
Qatar là nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới và Anh cũng là một trong những khách hàng của nước này. Được biết, Qatar cung cấp đến 30% lượng khí đốt nhập khẩu của Anh. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những tranh chấp vùng Vịnh đã làm ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng năng lượng của xứ sở sương mù.
Theo Financial Times, nếu Ai Cập quyết định thu gom các tàu chở LNG của Qatar ra khỏi kênh Suez thì có thể trong tương lai Anh sẽ còn phải đối diện với một cuộc khủng hoảng năng lượng, bên cạnh những bất ổn chính trị trong nước hiện vẫn chưa được giải quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.