Lãng phí đất giữa Hà Nội: Không lý do gì 'treo' dự án

27/11/2015 06:21 GMT+7

Trước thực trạng lãng phí hàng triệu mét vuông đất ngay giữa trung tâm Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng công cụ, chế tài xử lý các dự án treo đã được quy định chặt chẽ trong luật, vấn đề là 'chính quyền có thực hiện nghiêm theo luật hay không'.

Trước thực trạng lãng phí hàng triệu mét vuông đất ngay giữa trung tâm Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng công cụ, chế tài xử lý các dự án treo đã được quy định chặt chẽ trong luật, vấn đề là 'chính quyền có thực hiện nghiêm theo luật hay không'.

Dự án HH1 của Công ty tu tạo và phát triển nhà Hà Nội đã ì ạch 6, 7 năm nay - Ảnh: M.HàDự án HH1 của Công ty tu tạo và phát triển nhà Hà Nội đã ì ạch 6, 7 năm nay - Ảnh: M.Hà
Trong khi đó, ông Trần Anh Dũng, Chánh thanh tra Sở TN-MT Hà Nội cho rằng, việc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất rất khó khăn, vì chủ đầu tư nào cũng muốn giữ đất, dẫn đến nhiều dự án có quyết định thu hồi nhưng vẫn chưa được.

Khó khăn cho nhà đầu tư là từ năm 2010 đến 2013, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, trầm lắng, không còn khả năng thực hiện, luồng tín dụng cũng bị ngăn lại. Các địa phương không thực hiện thu hồi có lý do khách quan. Nhưng hiện nay thị trường đã phục hồi, tín dụng thông thoáng, không có lý do gì để ôm đất, quây tôn dự án nữa

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT

“Một phần nguyên nhân” liên quan đến nhà nước
Còn theo ông Nguyễn Huy Cường, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Nam Từ Liêm, dự án từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, được giao đất đến khi xin được giấy phép đầu tư, các thủ tục triển khai cũng mất từ 1 đến 1,5 năm. “Nhiều dự án chậm trễ kéo dài, quận xuống kiểm tra thì chủ đầu tư nói đang phát sinh phải điều chỉnh thiết kế, quy hoạch chi tiết hoặc đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chưa đủ thủ tục nên chưa triển khai. Quận cũng không có thẩm quyền thu hồi dự án, mà chỉ báo cáo lên TP”, ông Cường nói.
Theo báo cáo giám sát của HĐND TP, một số dự án chậm triển khai do nguyên nhân khách quan như phải tạm dừng để rà soát quy hoạch sau hợp nhất, hoặc phải làm thủ tục điều chỉnh phù hợp với quy hoạch phân khu mới. Chủ đầu tư nhiều dự án cũng gặp khó khăn về tài chính do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế từ năm 2010 đến nay. Ngoài ra cũng có tình trạng việc thẩm định năng lực nhà đầu tư (NĐT) để giao đất, cho thuê đất chưa chặt chẽ, dẫn đến có NĐT cùng một lúc “ôm” nhiều dự án. Điển hình là Công ty tu tạo và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư 3 dự án chậm tiến độ, vi phạm luật Đất đai như dự án phía nam Đại Cồ Việt (Q.Hai Bà Trưng), dự án đầu tư khu đô thị Mễ Trì Hạ, khách sạn, văn phòng cao cấp tại Mễ Trì… Trong khi việc thanh kiểm tra còn hạn chế, chưa thường xuyên, thiếu phối hợp giữa quận, huyện và các sở ngành dẫn đến việc xử lý thu hồi đất gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi tại cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP cũng nhìn nhận, dự án treo liên quan đến quy hoạch chiếm số lượng nhiều nhất. Do Hà Nội hợp nhất, quy hoạch quận, huyện, thị xã, trong toàn bộ quá trình quy hoạch, về nguyên tắc các dự án phải dừng lại. Thứ hai liên quan đến tình trạng trầm lắng, đóng băng của thị trường bất động sản, Chính phủ cho rà soát các dự án, đặc biệt các dự án nhà, nên một số dự án được lùi tiến độ. Thứ ba là dự án treo do chủ đầu tư, không quyết liệt nên chậm tiến độ.
“Hà Nội đã thanh tra và làm rõ các lỗi, về cơ bản do lỗi của chủ đầu tư, xử lý nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì thu hồi dự án, nhưng một phần nguyên nhân liên quan đến nhà nước, giải phóng mặt bằng”, ông Khanh cho biết.
Từ năm 2009 đến 2014, UBND TP.Hà Nội đã ban hành 64 quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất của 60 tổ chức vi phạm, tổng diện tích đất thu hồi là 1.807 ha. Trong đó, 33 quyết định thu hồi đất hoặc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất đã thực hiện trên thực tế, đạt tỷ lệ 51,5%; 31 quyết định thu hồi đất, tổ chức được giao quản lý đất đang làm thủ tục nhận bàn giao và thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đánh thuế cao với dự án chậm tiến độ
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT nhìn nhận, các dự án chậm tiến độ kéo dài, NĐT ôm đất, găm đất nhiều năm nhưng không triển khai gì đã trở thành câu chuyện quen thuộc của Hà Nội và nhiều địa phương lớn khác. “Khó khăn cho NĐT là từ năm 2010 đến 2013, thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, trầm lắng, không còn khả năng thực hiện, luồng tín dụng cũng bị ngăn lại. Các địa phương không thực hiện thu hồi có lý do khách quan. Nhưng hiện nay thị trường đã phục hồi, tín dụng thông thoáng, không có lý do gì để ôm đất, quây tôn dự án nữa”, ông Võ cho hay.
Theo chuyên gia này, luật Đất đai 2013 (áp dụng từ tháng 7.2014) đã quy định chế tài cụ thể hơn so với luật Đất đai 2003. Theo đó, khi không đưa đất vào sử dụng 12 tháng hoặc không đúng mục đích được cấp phép 24 tháng, dự án sẽ được gia hạn thêm 24 tháng, nếu tiếp tục không thực hiện được nhà nước sẽ thu hồi đất và không có nghĩa vụ đền bù cho NĐT. Nếu áp dụng chặt chẽ luật, các dự án sau khi được gia hạn thêm 2 năm sẽ không được gia hạn thêm, điều này làm tăng trách nhiệm của chủ đầu tư.
Ông Võ nhìn nhận, việc bồi thường kinh phí mà NĐT đã bỏ ra khi thu hồi đất sẽ đảm bảo môi trường kinh doanh, khuyến khích các NĐT. Nhưng thực tế, thu hồi mà phải bồi thường gây khó khăn cho ngân sách, việc tìm NĐT khác thay thế cũng khó khăn, dễ dẫn đến nguy cơ tiếp tục kéo dài dự án. “Luật Đất đai 2013 quy định không phải bồi thường, có ý kiến cho rằng điều này sẽ tăng tính răn đe để NĐT thận trọng, tính toán hơn. Nhưng ở khía cạnh khác, việc thu hồi cũng phải có cơ chế phù hợp với thị trường”, ông Võ phân tích và đề xuất đánh thuế cao hơn với các dự án chậm tiến độ. NĐT ôm đất mà không triển khai dự án, làm giảm khả năng sinh lợi trên đất thì phải chịu thuế đất năm sau cao hơn năm trước, để tăng khả năng sinh lợi trên đất, nhà nước cũng thu thêm nhiều ngân sách.
Chuyên gia này cũng cho rằng, công cụ luật, chế tài xử lý đều đã có, để chấm dứt tình trạng ôm đất thì vấn đề mấu chốt là chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm các quy định theo luật, nếu quận, huyện không làm được thì tỉnh, thành phố phải xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.