Lo ngại tình trạng cho vay nặng lãi tái xuất

27/03/2008 12:12 GMT+7

(TNO) Một số thay đổi liên quan đến lãi suất huy động vốn, cho vay vốn của tổ chức tín dụng và một số quy định khác liên quan đến việc áp dụng lãi suất cơ bản đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay 27.3, trong phiên họp thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự. Hầu hết các đề nghị của Chính phủ đều bị phản đối.

Chính phủ đề nghị chọn “lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng” thay cho lãi suất cơ bản do Nhà nước công bố để áp dụng trong việc ấn định lãi suất huy động vốn, vay vốn và làm căn cứ giải quyết các tranh chấp dân sự trong lĩnh vực vay vốn.

“Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thường ở mức thấp hơn khá nhiều so với lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng và chỉ điều chỉnh tăng, giảm với biên độ thấp nhằm tác động ổn định lãi suất thị trường và kiểm soát lạm phát”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu giải thích.

Đồng ý với việc nếu tiếp tục áp dụng lãi suất cơ bản như hiện nay thì đa số các hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng vi phạm quy định về khống chế lãi suất cho vay tối đa (bằng 150% lãi suất cơ bản) trong Bộ luật Dân sự và cần phải thay đổi nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận lại không đồng ý chuẩn thay thế mà Chính phủ đề nghị.

Theo ông Thuận: “Lãi suất trái phiếu kho bạc có khi do cơ quan Nhà nước ấn định cũng có khi hình thành trên kết quả việc đấu thầu nên rất khó xác định mức lãi suất kho bạc thấp nhất trong lần phát hành cuối cùng. Nhất là trái phiếu kho bạc là khoản vay của Nhà nước, nằm trong danh mục bí mật Nhà nước nên rất khó lấy ra làm căn cứ giải quyết trong các tranh chấp hợp đồng vay vốn dân sự”.

“Hơn nữa lãi suất trái phiếu là lãi suất trung hạn và dài hạn, trong khi đó giao dịch dân sự còn bao gồm cả vay, cho vay ngắn hạn, nếu quy định việc áp dụng lãi suất vay trung hạn và dài hạn cho giao dịch dân sự ngắn hạn là chưa hợp lý”, ông Nguyễn Văn Thuận phân tích.

Đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ ý kiến ông Thuận đề nghị lấy “lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại cổ phần” để thay thế cho lãi suất cơ bản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã lại đồng ý đề xuất của Chính phủ vì lý do “lãi suất trái phiếu kho bạc do Bộ Tài chính công bố nhưng không phải là một ấn định hành chính mà căn cứ trên thực tế thị trường huy động vốn nên nó mang tính thị trường cao và ổn định”. “Tất cả những nước theo kinh tế thị trường đều chọn cách này vì Nhà nước lúc nào cũng là người đi vay lớn nhất”, ông Nhã nói thêm.

Lo sợ “cho vay nặng lãi”

Trong sửa đổi tại khoản 1, điều 476 Bộ luật Dân sự, Chính phủ đề nghị trần lãi suất huy động vốn có thể lên đến 300% lãi suất trái phiếu kho bạc thấp nhất của lần phát hành cuối cùng trước thời điểm vay (hiện hành là không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố).

Đề nghị này gặp sự phản đối dữ dội nhất từ các Ủy viên Thường vụ, gần như không nhận được bất kỳ sự đồng tình nào. Ông Đinh Văn Nhã nói: “Trong quan hệ dân sự đây là khoản vay không khuyến khích (hụi, họ...) và chúng ta đang phấn đấu hệ thống ngân hàng Nhà nước đủ mạnh để người dân không phải vay nặng lãi. Nhưng nếu cho phép trần đến 300% thì chúng ta đổ thêm dầu vào lửa vô tình khuyến khích và thừa nhận cho vay nặng lãi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển quả quyết: “Nếu chấp nhận điều này là chúng ta sẽ mở ra cuộc đua về lãi suất rất khốc liệt và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế”. Ông Hiển tính toán, nếu ước tính vào thời điểm hiện nay (lãi suất trái phiếu kho bạc khoảng 8%) thì lãi suất cho vay có thể lên đến 24%. “Làm sao các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân dám vay vốn để đầu tư”, ông Hiển lo ngại.

Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải chuẩn bị lại dự thảo sửa đổi trên cơ sở tham khảo ý kiến góp ý ngày hôm nay.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.