Lồng bè phát triển ồ ạt

07/10/2017 08:10 GMT+7

Số lượng lồng bè nuôi thủy sản ở Phú Yên vượt gấp 2 - 3 lần so với quy hoạch tổng thể khiến nhiều vùng nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo quy hoạch nuôi thủy sản nước lợ mặn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2030, Phú Yên có 3 vùng nuôi thủy sản lồng bè tập trung. Trong đó, vùng nuôi ở TX.Sông Cầu gồm vịnh Xuân Đài khoảng 747 ha và đầm Cù Mông khoảng 253 ha; vùng nuôi lồng bè ở H.Tuy An khoảng 650 ha.
Phát triển phức tạp
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian qua những vùng nuôi này không tuân thủ theo quy hoạch nên diện tích mặt nước và số lồng nuôi thực tế vượt gấp 2 - 3 lần. Đối với vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè tại Vũng Rô (H.Đông Hòa), tỉnh Phú Yên chỉ cho phép tạm thời sử dụng 100 ha mặt nước nhưng số lồng bè nuôi thủy sản, bè dịch vụ tiếp tục tăng.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, hầu hết các vùng nuôi thủy sản bằng lồng bè chưa được quy hoạch chi tiết, công tác quản lý vùng nuôi còn yếu kém, việc xả thải không đúng quy định đã gây ô nhiễm môi trường, diễn biến dịch bệnh trên thủy sản nuôi rất phức tạp. Hoạt động quan trắc môi trường và giám sát cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã triển khai thường xuyên nhưng đa số người nuôi không thực hiện các khuyến nghị của cơ quan chuyên môn. Công tác quản lý con giống, thức ăn, thuốc thú y... cũng còn những bất cập, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật về nuôi trồng thủy sản của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và người nuôi còn kém.

tin liên quan

Tìm hướng nuôi tôm hùm bền vững
Trước tình trạng vùng nuôi tôm hùm liên tục bị thiệt hại thời gian qua do ô nhiễm, ngày 16.8, tại TP.Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo bàn giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở địa phương.
Địa phương lúng túng
Ông Lương Công Tuấn, Phó chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết sau sự cố tôm hùm, cá nuôi bị chết hàng loạt hồi tháng 5 - 6.2017, người dân vùng nuôi vịnh Xuân Đài lại tiếp tục kéo lồng bè và phân bổ hầu khắp mặt vịnh, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương, trong khi đây là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Thảo, Phó chủ tịch UBND H.Đông Hòa, cho biết hiện có 93 hộ với 102 bè nuôi thủy sản sau năm 2005 chưa di dời ra khỏi khu vực Vũng Rô. Các hộ này cố ý né tránh khi có lực lượng chức năng kiểm tra nên công tác xử lý vi phạm và hoàn tất hồ sơ để cưỡng chế gặp nhiều khó khăn. “Nếu địa phương tổ chức cưỡng chế bằng hình thức kéo lồng bè vi phạm ra khỏi Vũng Rô thì chi phí quá lớn, khoảng 50 triệu đồng/bè. Ngoài ra, mỗi bè nuôi tôm, cá có giá trị bình quân khoảng 3 tỉ đồng, nếu chúng ta bảo quản, chăm sóc, trông giữ những bè bị cưỡng chế không tốt (chưa có người đến nhận), gây thiệt hại thì không có tiền để bồi thường...”, ông Thảo lo ngại.
Sắp xếp lại vùng nuôi
Với thực tế trên, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương sắp xếp tạm thời và giao, cho thuê mặt nước tại các vùng nuôi lồng bè trên đầm, vịnh, đồng thời tiến hành quy hoạch chi tiết tất cả các vùng nuôi này.
Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên đề xuất những vùng đã quy hoạch chi tiết thì UBND cấp huyện triển khai giao, cho thuê mặt nước tới các tổ chức, cá nhân theo quy định. Còn vùng chưa quy hoạch chi tiết, UBND cấp huyện cũng triển khai mốc giới phân vùng, phân khu nuôi ngoài thực địa theo quy hoạch tổng thể được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt, sau đó giao, cho thuê mặt nước nuôi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân. Hạn mức diện tích mặt nước được giao để nuôi thủy sản bằng lồng bè cho mỗi trường hợp không quá 1 ha, đối tượng được giao là người địa phương mà nguồn sinh sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi thủy sản.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cũng đã chỉ đạo các địa phương sớm triển khai quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản gắn với phát triển rừng ngập mặn. “Các địa phương khẩn trương sắp xếp lại lồng bè nuôi thủy sản tại các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh như phương án Sở NN-PTNT Phú Yên đã đưa ra. Các huyện, thị xã, thành phố có nuôi thủy sản cần tìm giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế và xử lý các nguồn thải ra môi trường vùng nuôi, tổ chức dịch vụ thu gom rác, xây dựng và triển khai thu phí môi trường tại các vùng nuôi”, ông Thế nói và cho biết đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng mô hình thí điểm quan trắc, cảnh báo môi trường tự động vùng nuôi và sớm tham mưu UBND tỉnh Phú Yên thành lập đơn vị chuyên trách quản lý lồng, bè nuôi trồng thủy sản.
Cần 1.988 tỉ đồng phát triển ngành thủy sản
Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt khoảng 10.957 ha, đến năm 2025 đạt 11.024 ha và ổn định đến năm 2030.
Đối với nuôi tôm hùm giai đoạn 2020 - 2030, số lồng nuôi thương phẩm khoảng 27.000 lồng, số lồng ươm giống khoảng 18.000 lồng, diện tích mặt nước biển thả nuôi tôm hùm đến năm 2020 khoảng 1.650 ha và đến năm 2030 khoảng 1.720 ha.
Về quy hoạch khai thác thủy sản, số lượng tàu thuyền đến năm 2020 khoảng 4.150 chiếc (tổng công suất 290.000 CV), đến năm 2025 là 4.100 chiếc (tổng công suất 335.000 CV) và đến năm 2030 khoảng 4.000 chiếc (tổng công suất 350.000 CV). Sản lượng khai thác thủy sản các loại đến năm 2020 là 55.000 tấn, đến năm 2025 là 56.000 tấn và đến năm 2030 đạt 56.000 tấn.
Đối với cấp tỉnh, đầu tư xây dựng cảng cá Đông Tác thành cảng cá loại 1; nâng cấp cảng cá Tiên Châu, khu neo đậu tránh trú cho tàu cá Vạn Củi (H.Tuy An) và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác (TP.Tuy Hòa).
Tỉnh cũng quy hoạch đầu tư xây dựng 4 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá ở các địa phương: TX.Sông Cầu, H.Tuy An, TP.Tuy Hòa và H.Đông Hòa; đồng thời đầu tư xây dựng mới nhà máy đóng, sửa tàu cá bằng các vật liệu mới như composite, polypropylene polystone copolymer (PPC) và thép để từng bước thay thế các tàu cá vỏ gỗ.
Đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ tại Đông Tác; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Đông Tác (TP.Tuy Hòa). Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, năng lực từ 3.000 - 3.500 tấn/năm tại TX.Sông Cầu...
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016 - 2030 khoảng 1.988 tỉ đồng, trong đó đến năm 2020 khoảng 1.373 tỉ đồng và giai đoạn sau 2020 khoảng 615 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.