'Mở két' cho doanh nghiệp vay ngoại tệ

29/05/2016 05:38 GMT+7

Sau 3 tháng ngưng cho vay, Ngân hàng Nhà nước VN đã ban hành Thông tư 07 chính thức mở cửa cho doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ trở lại.

Quy định này có hiệu lực từ ngày 1.6 và thực hiện đến hết ngày 31.12.2016. Đây là lần thứ 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn cho vay ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Giảm được rất nhiều chi phí
   Chi phí tài chính chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng chi phí của DN. Hiện lãi vay USD chỉ bằng 1/2 so với lãi vay VND. Được vay vốn ngoại tệ sẽ giúp DN tiết giảm được nhiều chi phí. Nền kinh tế hiện nay còn khó khăn, việc hỗ trợ DN xuất khẩu bằng việc cho vay ngoại tệ trở lại hoàn toàn hợp lý
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
Dù đang ở Mỹ nhưng khi nghe tin này, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã mây tre lá Ba Nhất, phấn khởi nói với Thanh Niên: “Các doanh nghiệp (DN) sẽ giảm được rất nhiều chi phí tài chính trong thời buổi khó khăn này”.
Còn ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê cacao VN, đã thốt lên: “NHNN đã lắng nghe tiếng nói từ phía DN. Với quyết định này, các DN kinh doanh cà phê trong nước đã có thêm sức để cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài ngay trên sân nhà”. Trước đó, Hiệp hội Cà phê cacao, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep)... đã có công văn gửi NHNN kiến nghị về việc tiếp tục cho DN vay vốn ngoại tệ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Minh Hải, thị trường xuất khẩu thủy hải sản hiện cạnh tranh khá gay gắt. Từ khi NH ngưng cho vay ngoại tệ cuối tháng 3 đến nay, các DN xuất khẩu phải chuyển sang vốn vay VND với lãi suất từ 5 - 8%/năm. Đây là mức lãi vay khá cao so với vay bằng USD lãi suất 2 - 3%/năm khiến DN rất khó khăn. Vì vậy, việc cho phép DN xuất khẩu vay ngoại tệ sản xuất kinh doanh sẽ giúp DN giảm được một nửa chi phí lãi vay, giảm giá thành hàng hóa, tăng cường sức cạnh tranh.
Ủng hộ quyết định vừa được NHNN đưa ra, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Chi phí tài chính chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng chi phí của DN. Hiện lãi vay USD chỉ bằng 1/2 so với lãi vay VND. Được vay vốn ngoại tệ sẽ giúp DN tiết giảm được nhiều chi phí. Nền kinh tế hiện nay còn khó khăn, việc hỗ trợ DN xuất khẩu bằng việc cho vay ngoại tệ trở lại hoàn toàn hợp lý”.
Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý: “Việc gia hạn cho vay ngoại tệ sẽ tác động lên cầu thị trường ngoại tệ”.
Nhu cầu USD tăng
Với lãi suất huy động USD hiện ở mức 0%, người nắm giữ USD có xu hướng chuyển đổi sang nắm giữ tiền đồng làm vốn huy động USD tại các NH sụt giảm nhanh. Theo số liệu NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 5, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 4,56%, trong khi dư nợ cho vay ngoại tệ giảm 3,52%. Đây là mức giảm mạnh kể từ thời điểm chính thức dừng cho vay ngoại tệ vào ngày 31.3. Cung giảm, trong khi cầu ngoại tệ được dự báo sẽ tăng mạnh sau ngày 1.6 nên nhiều chuyên gia dự báo có thể xảy ra căng thẳng ngoại tệ.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh một NH cổ phần, cho biết trong thời gian qua các NH thương mại có được nguồn vốn khá rẻ từ các NH nước ngoài nhưng chưa sử dụng đến. Đó là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lên 0,25%/năm, các NH nước ngoài cho NH trong nước vay vốn ngắn hạn lãi suất 0,7 - 0,8%/năm, lãi suất vay trung dài hạn ở mức 1,6 - 1,8%/năm. Bản thân NH này cũng được một NH Nhật cấp hạn mức tài trợ vốn 150 triệu USD, thế nhưng đến nay vẫn chưa “đụng” đến. “Vì vậy, việc cân đối cung cầu là có thể kiểm soát được”, ông này nói.
Giảm dần tỷ lệ  vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn
Ngày 27.5, NHNN VN ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1.7 đến 31.12.2016, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại NH thương mại và chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã là 60% (mức hiện nay đang áp dụng), TCTD phi NH 100%. Từ ngày 1.1.2017 đến 31.12.2017, tỷ lệ này tại NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã xuống 50%, TCTD phi NH xuống 90%. Từ ngày 1.1.2018, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài, NH hợp tác xã tiếp tục giảm xuống 40%; TCTD phi NH xuống 80%.
Ngoài ra, thông tư điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản theo hướng tăng từ 150% hiện nay lên 200% kể từ ngày 1.1.2017; Đồng thời tăng tỷ lệ đầu tư trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh NH nước ngoài từ 15% lên 35%, NH thương mại nhà nước từ 15% lên 25%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.