Người Trung Quốc lợi dụng kẽ hở trong đầu tư để được ở VN

26/07/2016 17:45 GMT+7

Thông tin này được ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng đưa ra tại cuộc làm việc với đoàn công tác Bộ KH-ĐT vào ngày 26.7.

Tại buổi làm việc, UBND TP.Đà Nẵng cho biết hiện nhiều người Trung Quốc đang lợi dụng kẽ hở từ luật Đầu tư để được ở VN. Trên thực tế người nước ngoài có nhu cầu ở tại VN thường đăng ký đầu tư dự án để trở thành nhà đầu tư. Có một số người muốn được ở hợp pháp tại VN trong một thời gian dài nhưng không vì mục đích đầu tư.

Một số đông người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đã lợi dụng quy định của luật Đầu tư, luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN để đăng ký đầu tư với số vốn rất thấp (luật Đầu tư không hạn chế).

Cơ quan đăng ký đầu tư không thể từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các trường hợp này. Do đó, để đảm bảo thu hút đầu tư trực tiếp có ý nghĩa và đúng định hướng của Nhà nước, Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng đề nghị Bộ KH-ĐT chỉnh sửa, bổ sung quyền cho cơ quan đăng ký đầu tư xem xét về tính khả thi, khả năng đáp ứng tài chính thời hạn đối với các dự án có mức vốn thấp… để xem xét và quyết định thời hạn thực hiện dự án đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu (giữa) tại cuộc họp ẢNH: HOÀNG SƠN

Liên quan đến việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, ông Sơn cho hay điều 46 Nghị định 118 quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo đó, thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã vận dụng kẽ hở tại điểm b, khoản 3, điều 9 của Nghị định 139, Nghị định 88 của Chính phủ và quyết định số 88 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp VN, để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng, đặc biệt các nhà đầu tư Trung Quốc.

Do đó, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội bổ sung luật Đầu tư nội dung: “Đối với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp VN, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan theo quy định trước khi thông báo bằng văn bản nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”.

Về vấn đề chuyển nhượng vốn, dự án và chấm dứt hoạt động của công ty mẹ ở nước ngoài, ông Trần Văn Sơn cho biết thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án FDI từ nước ngoài diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước nói chung và TP.Đà Nẵng nói riêng.

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó thành lập công ty con tại TP.Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án lĩnh vực bất động sản du lịch.

Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác. Đáng chú ý là việc chuyển nhượng dự án được nhà đầu tư nước ngoài thực hiện ở nước ngoài thông qua việc thay đổi chủ sở hữu công ty mẹ ở nước ngoài mà không làm thay đổi pháp nhân công ty con tại TP.Đà Nẵng.

Theo ông Sơn, công ty mẹ ở nước ngoài chỉ có thời hạn hoạt động ngắn, thậm chí 1 năm (luật nước ngoài cho phép) nhưng tại Việt Nam nhà đầu tư đã đề nghị và được cấp thời gian hoạt động của dự án lên đến 50 năm. Nếu công ty mẹ tại nước ngoài chấm dứt hoạt động thì đối với dự án đã được thành lập tại Việt Nam sẽ được xử lý như thế nào. Do đó, đề nghị các cơ quan Trung ương ban hành văn bản quy định cụ thể nội dung nêu trên.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đào Quang Thu cho biết Bộ tiếp thu những kiến nghị của UBND TP.Đà Nẵng và sẽ báo cáo Chính phủ và các bộ liên quan xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.