Nông dân công nghệ cao - Kỳ 7: Vào rừng trồng lily

26/03/2013 02:30 GMT+7

Quyết định bỏ phố vào vùng rừng núi Đạ Sar (H.Lạc Dương, Lâm Đồng) mua đất trồng hoa lily đã giúp nông dân Nguyễn Đăng Phúc (49 tuổi, tổ 20, An Sơn, P.4, TP.Đà Lạt) vươn lên làm giàu.

Năm 1987, Nguyễn Đăng Phúc xuất ngũ về Đà Lạt sinh sống và phụ giúp bố mẹ làm vườn. Sau khi cưới vợ, được bố mẹ cho 3 sào đất, anh cùng vợ làm giàn trồng hoa lay ơn, hoa cúc để sống qua ngày. Hơn chục năm trôi qua, vừa làm vừa tích lũy, vợ chồng gom góp tiền mua được 8 sào đất và tiếp tục trồng các giống hoa truyền thống. "Khoảng đến năm 2006, nghe thông tin bà con trồng lily cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với hoa cúc, hoa lay ơn, đồng thời các bạn hàng ở TP.HCM cũng cho mình biết là giá tiêu thụ loại hoa này rất cao. Thế là mình đi tìm hiểu và chuyển đổi cây trồng...”, anh Phúc kể lại.

 

Điện thoại anh Nguyễn Đăng Phúc: 0974440045

Và anh đã lập tức gặp ngay một “núi” khó khăn khi bắt tay vào việc trồng hoa lily bởi không chỉ chưa biết kỹ thuật trồng mà còn việc mua củ giống cũng rất khó khăn do củ giống này được nhập khẩu hoàn toàn, giá rất cao, từ 6.000 - 12.000 đồng/củ. Sau một thời gian mày mò, cuối cùng anh cũng tìm được một công ty để đặt hàng mua giống. Vay mượn và vét hết tiền bạc dành dụm suốt gần 20 năm làm vườn được hơn 1 tỉ đồng, anh liều nhập 1 container nhỏ củ giống và làm 2 kho lạnh để trữ củ, đầu tư nhà kính và tiến hành trồng lily. Kết quả của mùa đầu tiên là lỗ vốn. Nhưng anh không nản chí mà tiếp tục tìm học kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và khắc chế được các loại nấm bệnh mà loài cây này hay gặp phải. Gần một năm sau anh đã thành công. “Lúc ấy mình đi tìm mua sách về kỹ thuật trồng cây lily này về tìm hiểu, kể cả sách nước ngoài (được gửi kèm khi mua củ giống) về nhờ người dịch. Đồng thời đi học hỏi kinh nghiệm từ những người trồng lily trước, rồi nghiên cứu kỹ hơn về đặc điểm sinh học của cây và nhận ra rằng mình chưa cân đối được độ pH trong đất và làm đất chưa đủ độ tơi xốp khi trồng”, anh Phúc cho hay. Biết được “điểm yếu”, anh khắc phục bằng cách bón thêm vôi để cân bằng và mua máy đo độ pH về để đo cho chính xác (chuẩn của độ pH = 6,5). Đồng thời sau khi làm đất anh rải một lớp xơ dừa, bỏ phân vi sinh rồi mới trồng cây và lấp đất lại để giúp cây dễ bám rễ cũng như giữ được độ ẩm tốt. “Cây này chịu được lạnh, nhưng cần điều chỉnh ánh sáng thích hợp, từ lúc cây còn nhỏ đến khi có nụ phải kéo lưới (đen) che bóng râm và chỉ chừa 30% ánh sáng; sau đó kéo hết lưới để cây lấy ánh sáng phát triển làm chắc cây hơn cho đến khi thu hoạch”, anh Phúc chia sẻ.

Nông dân công nghệ cao
Anh Nguyễn Đăng Phúc trong vườn lily chuẩn bị thu hoạch của mình - Ảnh: G.B

1 triệu cành lily mỗi năm

Năm 2009, thấy trồng lily mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng diện tích đất của gia đình ở ngoài phố quá ít, khó phát triển hơn được nên anh Phúc cho người khác thuê hết đất ở đây, còn mình vào vùng rừng núi thuộc xã Đạ Sar (H.Lạc Dương) mua 2,7 ha đất trồng lily. Một dãy nhà kính khác với đầy đủ trang thiết bị cùng hệ thống tưới tự động được anh đầu tư trên vùng đất mới cùng nhiều loại máy khác. Khâu làm đất cũng như quy trình tưới nước, bón phân được anh kiểm soát, theo dõi chặt chẽ. Cứ sau khoảng một năm thì anh xen canh bằng vài loại hoa ngắn ngày khác để xử lý đất.

Nhờ hoa đẹp, chất lượng tốt, lily của anh Phúc được thị trường ưa chuộng. Hằng năm anh cung cấp cho bạn hàng khoảng 1 triệu cành lily với nhiều chủng loại khác nhau, thu lãi trên dưới 1 tỉ đồng. “Mình tính toán đơn giản kiểu nông dân là mỗi năm làm 1 triệu củ giống, đến khi thu hoạch thì cứ 1 củ mình kiếm lời 1.000 đồng thôi, như vậy mình có được 1 tỉ đồng rồi, bởi vậy mình mạnh dạn vào đây để đầu tư làm hoa lily. Sản phẩm của mình có mặt tại thị trường TP.HCM, Hà Nội, các tỉnh miền Trung và trong mấy năm qua, mình luôn bị cháy hàng”, anh Phúc nói.

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.