Ồ ạt nhập hàng từ các nước láng giềng

Rau củ quả, ô tô, hàng điện gia dụng... từ Thái Lan, Singapore hay Malaysia nhập khẩu vào VN đang tăng mạnh.

Xu hướng này được dự báo càng nhiều hơn khi các hệ thống bán lẻ lớn trong nước thuộc về các ông chủ Thái Lan bên cạnh việc các loại hàng hóa được tự do lưu thông trong khối ASEAN mà không phải đóng thuế.
Nhập khủng rau quả, ngô, bánh, sữa...
Trong 10 năm qua, VN luôn nhập siêu từ các nước thành viên ASEAN với giá trị ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2005, VN chỉ nhập siêu 3,9 tỉ USD thì con số này tăng lên gần gấp đôi vào cuối năm 2015, khoảng 6 tỉ USD. Bước sang 3 tháng đầu năm nay, VN cũng tiếp tục nhập siêu 1,38 tỉ USD từ các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia...
Trên thị trường, không khó để người tiêu dùng có thể mua được hàng loạt sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Đặc biệt, hàng Thái Lan đang ồ ạt theo chân các doanh nghiệp nước này vào VN khi nhiều hệ thống phân phối lớn như Metro, Big C đều rơi vào tay người Thái. Điều này thể hiện qua con số nhập khẩu như hàng rau quả, năm 2014 VN nhập của Thái Lan 142 triệu USD thì qua 2015 đã tăng lên 206 triệu USD, tương đương gần 4.600 tỉ đồng. Và theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm nay, VN nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan tới hơn 1,8 tỉ USD. Trong đó, nhập khẩu lớn nhất là hàng điện gia dụng có trị giá 244 triệu USD, máy móc phụ tùng có trị giá 179 triệu USD, chất dẻo nguyên liệu là 122 triệu USD...
Bên cạnh đó, các sản phẩm tiêu dùng khác như thủy sản, sữa, rau quả, ngô, bánh kẹo... cũng chiếm giá trị từ 5 - 60 triệu USD. Đáng chú ý là mặt hàng rau quả từ giá trị nhập khẩu có 26 triệu USD trong quý 1/2015 đã tăng mạnh đến 60 triệu USD trong quý 1 năm nay. Đồng thời, trong 3 tháng đầu năm nay Thái Lan cũng vươn lên vượt qua mặt các nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào VN với hơn 7.800 chiếc, tăng 64,5% so với cùng kỳ năm trước, tổng giá trị nhập khẩu khoảng 140 triệu USD. Như vậy bình quân mỗi tháng VN chi khoảng 47 triệu USD nhập khẩu trên 2.600 chiếc xe từ Thái Lan, cao hơn 600 xe so với mức bình quân của năm 2015. Không chỉ hàng Thái đang lấn át, mà tại các thành phố lớn như TP.HCM, hàng hóa từ Campuchia, Lào cũng dần dần được người dùng trong nước ưa chuộng như gạo, thủy sản, hàng may mặc....
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay nhiều gia đình VN đang sử dụng từ một đến vài sản phẩm của Thái Lan. Với mẫu mã, chất lượng và giá cả phù hợp, nhiều sản phẩm Thái Lan đã cạnh tranh và đánh bật được hàng VN ngay trên thị trường nội địa.
Tự cứu mình
Dù cho rằng các ông chủ người Thái, Hàn hay Nhật của những siêu thị lớn, trung tâm thương mại tại VN đang và sẽ ưu tiên nhiều cho hàng hóa của nước họ nhưng ông Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường nói chung và bản thân người tiêu dùng sẽ quyết định hàng hóa nào được bán nhiều hơn. Vì vậy muốn hàng Việt được tiêu thụ mạnh thì đừng hô khẩu hiệu suông hay kêu gọi yêu hàng Việt mà phải đảm bảo hàng hóa có chất lượng, giá cả đủ sức cạnh tranh, từ đó người tiêu dùng sẽ lựa chọn.
Còn theo Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) Hồ Xuân Lâm, qua nhiều lần tổ chức các đợt tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp (DN) VN tại các nước ASEAN, nhiều sản phẩm của VN chất lượng hơn nhưng lại bị chê vì hình thức quá xấu. Ví dụ xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng thơm ngọt hơn nhưng vỏ ngoài xù xì trong khi xoài Thái hình thức đẹp hơn nên được người dùng ở các nước biết đến. Vì vậy DN cần có sự nghiên cứu kỹ đến thị hiếu, sở thích của người dân từng nước khác nhau để cải tiến mẫu mã cho phù hợp và hấp dẫn hơn. Chẳng hạn muốn bán hàng ở các nước có đông người Hồi giáo thì sử dụng màu sắc nào là hợp nhất. Ngoài ra, cơ quan nhà nước như đại sứ, tham tán thương mại ở các nước cũng phải hỗ trợ, làm cầu nối cho DN đến với người mua ở các siêu thị, trung tâm thương mại tại các nước.
Tương tự, TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nhận định lối thoát duy nhất cho hàng hóa VN là DN phải nâng sức cạnh tranh, tăng chất lượng và giảm chi phí bằng nhiều cách. Trong đó, giảm chi phí là câu chuyện cấp bách cần giải quyết ngay. Đó là tăng cường trang bị khoa học kỹ thuật cao, đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng. Đồng thời Chính phủ phải thúc đẩy việc hoàn thành hạ tầng cơ sở từ bến cảng, kho bãi cũng như tháo gỡ các khó khăn bức xúc của nền kinh tế để giảm các loại phí và lệ phí cũng như thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Từ đó giảm được giá thành sản xuất cho hàng hóa trong nước.
“Giảm các loại phí, từ đó tạo nên yếu tố mới để thúc đẩy DN phát triển, đây là lối thoát duy nhất cho hàng hóa VN. Nếu cứ theo cách quản lý như hiện nay với năng suất thua xa nhiều nước cũng như các loại phí chồng chéo quá nhiều thì sức cạnh tranh yếu kém là tất yếu. Nếu vậy thì chúng ta cứ phải chấp nhận đi sau và chậm thay đổi ngày nào thì rủi ro, mất thị trường càng nhiều”, TS Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
VN nhập siêu 1,38 tỉ USD từ khối ASEAN
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1/2016 của VN với khu vực ASEAN đạt 9,4 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của VN sang thị trường các nước ASEAN đạt 4,01 tỉ USD nhưng nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN đạt 5,39 tỉ USD. Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa giữa VN và các nước ASEAN trong 3 tháng đầu năm thâm hụt 1,38 tỉ USD, trong đó các nước có mức thâm hụt lớn nhất là với Thái Lan (trị giá 982 triệu USD), Singapore thâm hụt 806 triệu USD, Malaysia thâm hụt 318 triệu USD... Những mặt hàng nhập khẩu chính gồm xăng dầu, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, rau quả...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.