Ông Donald Trump có là cánh cửa thoát lệnh trừng phạt của Nga?

05/12/2016 16:21 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn “make Russia great again”. Để làm được điều này, ông có thể nhờ đến sự giúp đỡ từ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

Đối với Tổng thống Nga, việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt là cánh cửa đi đến mục tiêu cuối cùng là biến nước Nga trở thành đối trọng kinh tế, chính trị với Mỹ. Tổng thống Mỹ đắc cử, người từng tán dương sự lãnh đạo của ông Putin trong chiến dịch tranh cử và kêu gọi sự điều chỉnh trong quan hệ Mỹ - Nga, có thể là nhân tố hỗ trợ ông Putin thực hiện điều này, theo CNBC.
Dù Nga phủ nhận họ can thiệp hay lựa chọn đảng nào trong cuộc bầu cử Mỹ, chiến thắng của ông Trump cũng được nhiều thành viên đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin phần nào cũng được xem là chiến thắng cho Moscow. Thống đốc Omsk Viktor Nazarov tuyên bố trong lần phỏng vấn radio: “Hóa ra đảng Nước Nga Thống nhất thắng trong cuộc bầu cử Mỹ”. Rất lâu trước khi ông Trump đứng trong sự lựa chọn của cử tri Mỹ, Nga đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến kết quả các cuộc bầu cử trên thế giới. Dù vậy, sự kiện năm 2016 có sự khác biệt.
Được thúc đẩy bởi nhiều năm chịu lệnh trừng phạt và hàng thập niên hậu Xô Viết, Nga rất muốn phục hồi. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đến cùng với cuộc cạnh tranh nội bộ đảng và các bê bối dễ dàng đến vừa đúng thời điểm.
Ông Robert Amsterdam, luật sư quốc tế làm việc với nhiều khách hàng Nga cho hay: “Ông Putin dễ bị ảnh hưởng lớn bởi các biện pháp trừng phạt vì nó nhắm đến những người bạn thân nhất của ông. Giờ đây họ nghĩ rằng ông Trump sẽ thay đổi điều đó”.
Tháng 10, cơ quan tình báo Mỹ cho hay họ chắc chắn rằng chính phủ Nga đã tấn công mạng thư điện tử của tổ chức và công dân Mỹ, trong số này có cả các tổ chức chính trị. Sau đó, thông tin được trao cho DCLeaks.com và WikiLeaks công bố.
Nga đã và đang cố gắng tìm cách đặt họ ở thế ngang bằng với Mỹ kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Họ mở rộng lãnh thổ đến những nơi có thể, chống lại hành động quân sự của Mỹ và định vị bản thân là đối thủ của nền kinh tế số một thế giới.
Song tham vọng của Nga chịu thất bại vào năm 2014, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh trừng phạt với nhiều lĩnh vực của kinh tế Nga, trong đó có tài chính, năng lượng, khai thác mỏ và quốc phòng. Mỹ cũng trừng phạt những người thân cận với ông Putin bị cáo buộc liên quan đến căng thẳng ở Ukraine. Cùng lúc, giá dầu và đồng rúp Nga yếu làm kinh tế nước này chao đảo mạnh hơn.
Tổng tác động từ các yếu tố trên là lớn. Quỹ đầu tư quốc gia Nga có 87 tỉ USD tài sản vào tháng 12.2013, theo Bộ Tài chính Nga. Song đến ngày 1.6 năm nay, số liệu chỉ còn 38 tỉ USD vì chính phủ bán tài sản nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách. Thương mại Mỹ với Nga hạ từ 34 tỉ USD năm 2014 xuống còn 23 tỉ USD năm 2015.
Các lệnh trừng phạt cản trở khả năng tiếp cận thiết bị khoan ngoài khơi Bắc Cực đặc biệt được chú ý vì đây là yếu tố giúp Nga nhanh chóng mở rộng trong ngành năng lượng. Chuyên gia về Nga Boris Zilberman thuộc Trung tâm Trừng phạt và Bất hợp pháp Tài chính thuộc Quỹ Quốc phòng của đảng Dân chủ cho hay: “Dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về xuất khẩu công nghệ, phần mềm, những gì giúp ngành công nghiệp năng lượng Nga sẽ là mối quan tâm hàng đầu”.
Theo ông Zilberman, sản xuất của Nga đang suy giảm theo thời gian. “Vì vậy, họ đang đi vào những vùng nước sâu, xa bờ mới ở Bắc Cực và những nơi như thế. Để làm được, họ thực sự cần công nghệ phương Tây”, chuyên gia trên nói thêm.
Được tháo dỡ lệnh trừng phạt là chuyện quan trọng với mục tiêu lớn hơn của Nga là đạt được vị thế siêu cường. Lời hứa về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga của ông Trump làm dấy lên lo ngại cho rằng Mỹ sẽ giảm đòn bẩy. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cho hay dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ có thể không bảo vệ một số nước thành viên NATO nếu Nga tấn công họ. Điều này cho thấy ông có thể ra quyết định dựa trên việc liệu các nước vùng biển Baltic “có hoàn thành nghĩa vụ với chúng tôi hay chưa”.
Dù vậy, rất khó để đánh giá lập trường của ông Trump vì ông thường quay lưng lại với những đề xuất gây tranh cãi nhiều hơn của mình. Tướng James Mattis, người được ông chọn vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng, gọi động thái mà Nga bị cáo buộc là thực hiện ở Ukraine là “vấn đề nghiêm trọng hơn, nặng nề hơn” so với những gì Washington và Liên minh châu Âu (EU) ứng xử với nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.