Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Bình Phước

16/10/2017 12:18 GMT+7

Nhớ lại những ngày đầu tách tỉnh, cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Phước chủ yếu là nông nghiệp. Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017), Bình Phước hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày.

Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ. Quá trình đô thị hóa nhanh đã thúc đẩy sự phát triển của các đô thị với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Bình Phước đến 2020, toàn tỉnh có 13 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 4.686 ha. Hiện có 8 khu đang hoạt động với diện tích 1.191 ha, thu hút 164 dự án, trong đó có 104 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 3.344 tỉ đồng và 1.070 triệu USD.
Ngoài 13 KCN, Bình Phước còn quy hoạch hơn 20 cụm công nghiệp với tổng số 4.200 DN, tạo việc làm cho khoảng 142.000 lao động trên địa bàn. Các DN đầu tư vào các KCN chủ yếu là chế biến gỗ, dệt nhuộm, may mặc, chế biến nông sản, luyện cán thép, sản xuất vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, linh kiện điện tử...
Mặc dù đã có những đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động nhưng các KCN trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được các dư án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa thực sự chủ động. Việc đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các KCN và khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí được bố trí hằng năm hạn chế. UBND tỉnh đề xuất phương án ứng vốn của DN để thực hiện bồi thường, giải phòng mặt bằng nhưng tiến độ ứng vốn vẫn còn chậm.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, triển khai các dự án KCN - đô thị - dịch vụ, đưa Bình Phước phát triển tương xứng với tiềm năng của một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng biên giới VN - Campuchia, ngoài phát triển các KCN, Bình Phước đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo đó, Bình Phước sẽ duy trì 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 583 ha trong giai đoạn 2020-2025. Giai đoạn đến năm 2030 sẽ bổ sung thêm 14 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp lên 35 với tổng diện tích 1.163 ha. Phạm vi quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp sẽ thực hiện tại 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Tổng nhu cầu nguồn vốn đầu tư 5.900 tỉ đồng.
Sau khi các cụm công nghiệp được quy hoạch sẽ thu hút các ngành nghề như: sản xuất chế biến nông lâm sản; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và sản phẩm làm từ kim loại đúc; sản xuất sản phẩm điện tử, động cơ xe; dệt, may mặc và các sản phẩm có liên quan. Đồng thời sẽ tạo việc làm cho 30.000 lao động (từ năm 2020 đến 2030) tại các cụm công nghiệp.
Dự kiến đến năm 2020, tỉnh Bình Phước sẽ có 16 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại 3 (TX.Đồng Xoài), 2 đô thị loại 4 (Phước Long, Bình Long), 13 đô thị loại 5 (Đồng Phú, Tân Lập, Tân Tiến, Chơn Thành, Tân Khai, Lộc Ninh, Thanh Bình, Thiện Hưng, Phú Nghĩa, Bù Nho, Phú Riềng, Đức Phong, Đức Liễu). Dân số đến 2020 của tỉnh khoảng 1,14 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 398.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 34-35%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.