Tập đoàn Sao Mai 20 năm giữ thế chân vạc

21/02/2017 08:00 GMT+7

Kinh doanh đa ngành là một xu hướng trong thế giới phẳng. Từ doanh nghiệp “độc canh”, các công ty đã lấn sân ngoạn mục để phát triển thành tập đoàn. Sao Mai là một tập đoàn kinh doanh đa ngành nổi bật.

Từ “độc canh” sang đa ngành
Không quá lệ thuộc “độc canh” kinh doanh một ngành đặc biệt, Tập đoàn Sao Mai (Sao Mai) chọn thế chân vạc làm cách đi để đưa tập đoàn phát triển bền vững. Bắt đầu từ lĩnh vực thiết kế, thi công, xây lắp, năm 1997, Sao Mai là một trong những công ty cổ phần đầu tiên ra đời trong bối cảnh Việt Nam tròn 12 năm mở cửa hội nhập với thế giới. Thành công từ lĩnh vực chủ đạo, Sao Mai đã đầu tư và kinh doanh bất động sản (BĐS), cho ra đời hơn 100 dự án khắp các tỉnh thành ĐBSCL. Đó chính là bước đệm an toàn để Sao Mai “lấn sân” sang hàng loạt ngành khác như: thủy sản, chế biến bột cá - mỡ cá, dầu ăn, du lịch và mới đây nhất là lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Thành công đó nhờ chiến lược và tầm nhìn của ban lãnh đạo tập đoàn. “Kinh doanh là không thể bỏ trứng vào một giỏ”, áp dụng triết lý ấy, Sao Mai đã vượt qua cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì giữ thế “độc canh” thì Sao Mai lại bám trụ trên thương trường nhờ giữ thế “chân vạc”, mở rộng quy mô và lĩnh vực kinh doanh để khai thác mặt mạnh của ngành này bổ trợ cho ngành kia, nhằm ổn định và phát triển. Nguyên tắc “kiềng 3 chân” được Sao Mai vận dụng trong quá trình hoạt động để ăn chắc, mặc bền, hơn hết là thỏa mãn đam mê kinh doanh. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai, chia sẻ: “Để có được thế chân vạc thì cốt lõi vẫn là con người. Sao Mai luôn chú trọng đào tạo nhân lực trong và ngoài nước để phục vụ mục tiêu phát triển tập đoàn”.
Năng lực là cốt lõi
Doanh nghiệp đa ngành được ví như cây lớn. Để cây khỏe mạnh thì gốc rễ phải vững chắc. Gốc rễ chính là năng lực của doanh nghiệp, thể hiện qua việc nắm bắt cơ hội, khả năng quản trị và sự trải nghiệm của bộ máy quản trị. Sao Mai đã biến “nguy” thành “cơ” trong cơn bão khủng hoảng bằng việc mở rộng thị trường BĐS đến các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Thanh Hóa...
Sao Mai còn đầu tư ngành thủy sản thông qua việc xây dựng riêng cụm công nghiệp Vàm Cống quy mô 23 ha tại Đồng Tháp. Trong giai đoạn cổ phần hóa nhà nước, Sao Mai đã sở hữu và chi phối các công ty du lịch có cổ phần nhà nước mang thương hiệu lâu đời như: Công ty CP du lịch Đồng Tháp, Công ty CP du lịch An Giang. Tiếp tục minh chứng cho những bước đi đúng thời cơ, ngày 10.11.2016, Tập đoàn Sao Mai và Tập đoàn Koyo đã ký kết hợp đồng thỏa thuận xây dựng nhà máy phát điện dùng pin năng lượng mặt trời công suất 210 MW, vốn đầu tư dự kiến 5.500 tỉ đồng tại H.Tịnh Biên, An Giang.
Trong quá trình kinh doanh theo hướng đa ngành, Sao Mai luôn chú ý hai nhiệm vụ quan trọng: chuyên môn hóa bộ máy quản trị và quản lý nhân sự theo hướng lấy sức mạnh nội bộ làm nền tảng, phát triển tập đoàn từ “tầm” và “tâm”. Nhờ vậy hầu hết các dự án của Sao Mai đều được đón nhận, như: Khu đô thị cao cấp Sao Mai Bình Khánh 3-5 (TP.Long Xuyên, An Giang), Khu đô thị cao cấp Sao Mai TT.Tân Hiệp (Kiên Giang)… Sản phẩm dầu ăn cao cấp Ranee chiết xuất từ mỡ cá với hàm lượng dinh dưỡng cao được đưa vào bếp ăn gia đình được người tiêu dùng tin tưởng.
Chú trọng việc “dùng người” bằng cách khơi dậy năng lực, đam mê từ CB-CNV, tạo thành khối sức mạnh thống nhất để họ mang về “trái ngọt” cho tập đoàn cũng là yếu tố mà Sao Mai áp dụng.
Ngày 2.3 tới đây, tại TP.Long Xuyên (An Giang), Tập đoàn Sao Mai sẽ tổ chức lễ kỷ niệm “Chào mừng tuổi đôi mươi”, đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển của tập đoàn. Gần 8.000 CB-CNV của 16 công ty thành viên cùng nhiều quan khách sẽ được nhìn lại những bước đi táo bạo của Sao Mai trong chặng đường vươn tới đỉnh cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.